Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bộ trưởng phải giải trình, giải đáp qua kênh báo chí

10:35, 22/01/2014

Yêu cầu đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình sách giáo khoa; Văn phòng Chính phủ (VPCP) phải cung cấp thông tin nhanh, chính xác, không để các vấn đề “nóng” kéo dài gây bất lợi, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra yêu cầu như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác 2013, triển khai nhiệm vụ 2014 của VPCP ngày 21-1.

Trách nhiệm “công bộc” trước dân

 

 

Thủ tướng yêu cầu VPCP phải kịp thời trao đổi với các bộ, cơ quan chức năng để trả lời kịp thời, ngăn chặn thông tin xuyên tạc, khi có những vấn đề nổi lên qua báo chí và trong dư luận. Điển hình như: Vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, vụ giá sữa...

 

Thủ tướng đặc biệt lưu ý VPCP chủ động hơn nữa để cung cấp thông tin cho báo chí, cho người dân và toàn xã hội về hoạt động của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ - trong đó có các bộ trưởng, các phó thủ tướng và cả Thủ tướng - phải có trách nhiệm giải trình, giải đáp qua các kênh báo chí về các chủ trương, chính sách ban hành. Theo người đứng đầu Chính phủ, giải trình của cơ quan quản lý nhà nước với xã hội là trách nhiệm của "công bộc" trước nhân dân. Những thắc mắc về chủ trương phải được giải trình, làm rõ với dân “lý do vì sao ban hành, cái đó có lợi gì cho dân”.

 

Thủ tướng nêu đơn cử về giá xăng, điện - những vấn đề dân sinh vốn luôn tạo dư luận mỗi lần tăng giá: “Chúng ta không thể chỉ công khai giá điện trên trang mạng của bộ. Phải đưa lên bản tin thời sự nhiều người xem của Truyền hình Việt Nam (VTV). Phải giải thích rõ vì sao tăng giá xăng, điện. Như thế mới là phục vụ nhân dân”.

 

“Tôi rất sốt ruột về nợ đọng văn bản luật”

 

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn hoạt động của VPCP phải gắn với nhiệm vụ của các bộ, ngành. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua VPCP chưa bao quát được nhiệm vụ  này khi một bộ đưa lên mấy chục đề án, VPCP tổng hợp trình lên, nhưng không được bao nhiêu.

 

Để làm tốt nhiệm vụ này, theo Thủ tướng, khi xử lý ý kiến khác nhau giữa các bộ, VPCP cần tham mưu nghiên cứu và đề xuất. Nếu chưa thống nhất thì báo cáo phó thủ tướng phụ trách để họp bàn, kết luận. Trường hợp chưa được thì mới báo cáo lên Thủ tướng để giải quyết.

 

“Bài học từ Luật Đầu tư công, tôi phải ngồi trực tiếp với các bộ, ngành mấy ngày để ra được quy định. Sau đó hiệu quả ngay, khắc phục đầu tư công dàn trải. Hay như vừa rồi, Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến trái với Bộ Tài chính, tôi ngồi 15 phút thì xong; chỉ mắc có một câu, một chữ thôi" - Thủ tướng chia sẻ.

 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tình trạng chậm ban hành một nghị định, một quy định nào đó sẽ khiến hoạt động xã hội bị nghẽn, bị chậm lại.

 

Thủ tướng nêu rõ nợ thông tư còn lớn thì trách nhiệm trước hết là của bộ trưởng. VPCP phải kiểm tra, đôn đốc. Vì vậy, năm 2014 VPCP cần phải bám sát, đốc thúc từng bộ, để triển khai nghiêm túc các văn bản quy định hướng dẫn luật. “Tôi rất sốt ruột, vì đây là trách nhiệm của Chính phủ để hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền. Phải làm cho quyền làm chủ của nhân dân, kinh tế thị trường tốt hơn”- Thủ tướng nói.

 

 

Thủ tướng yêu cầu đưa vấn đề biển Đông vào sách giáo khoa phổ thông: Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo TƯ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.    Diệu Linh (Theo chinhphu.vn)