Hội nghị đại biểu chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng 8/9.
Theo đó, trong 3 ngày làm việc (từ 8-10/9), các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ thảo luận và cho ý kiến về 6 dự án Luật: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Căn cước công dân, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Công tác xây dựng pháp luật liên quan tới việc thực hiện Hiến pháp 2013 là trọng tâm của kỳ họp thứ 8 mặc dù đây là kỳ họp cuối năm, thường xem xét các vấn đề về kinh tế, xã hội, ngân sách và công tác tư pháp. Theo đó, 30 dự án Luật sẽ được Quốc hội (QH) thảo luận, trong đó sẽ thông qua 17 dự án Luật là số lượng dự án Luật lớn nhất từ trước tới nay.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, 6 dự án luật được đưa ra lấy ý kiến đại biểu hoạt động chuyên trách lần này có tác động tới nhiều mặt đời sống xã hội. Việc nghiên cứu, thảo luận, thông qua các dự án luật này theo tinh thần Hiến pháp 2013 có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền của người dân.
Lưu ý khối lượng nội dung tại kỳ họp thứ 8 là rất lớn, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc xây dựng luật phải đổi mới, đảm bảo chất lượng, đảm bảo tính khả thi trong cuộc sống và quyền lợi của nhân dân.
“Trọng về chất chứ không trọng về lượng. Chưa đảm bảo chất lượng là không thông qua”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban pháp luật cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội./.