Phụ nữ có quyền bình đẳng và được tạo điều kiện thuận lợi

07:28, 02/10/2014

Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định, giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây cũng là chương có đến 36 điều, nhiều nhất về số lượng điều trong các chương của Hiến pháp năm 2013 với những sửa đổi, bổ sung, phát triển quan trọng so với Hiến pháp năm 1992.

Trong các quyền đó, quyền của phụ nữ được khẳng định ở nhiều điều, khoản. Điều 26 có 3 khoản nói về quyền của phụ nữ: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới;  Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới. Cũng trong Chương 2, điều 36 có 2 khoản ghi rõ: Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Không chỉ ở Chương II, tại Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, khoản 2, điều 58 còn nêu: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

 

Không phải đến khi có Hiến pháp 2013, mà trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thể hiện bằng những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ khẳng định được vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Tuy vậy, trước yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Mục tiêu bao trùm của Nghị quyết là: Phát huy tiềm năng to lớn của phụ nữ, chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ.

 

Tương đồng với mặt bằng chung toàn quốc, lực lượng lao động nữ của tỉnh ta tuy đông về số lượng nhưng trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp còn yếu, từ đó cơ hội việc làm và thu nhập thấp hơn so với nam giới. Nhất là phụ nữ ở nông thôn, trong các khu công nghiệp tập trung, người dân tộc thiểu số việc làm không ổn định, chính sách lương, bảo hiểm, bảo hộ không được đảm bảo. Công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 tuy tăng từ 2,53 đến 3% so với nhiệm kỳ trước, tham gia đại biểu HĐND các cấp tăng từ 0,8% (cấp xã/phường) lên 7,73% (cấp tỉnh) nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch tăng lên trong những năm gần đây. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ nữ được Trung ương phê duyệt vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 22/104 người (21,2%).Quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh là 139/500 người (27,8%). Quy hoạch thì như vậy nhưng nhưng tỷ lệ đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ lại thấp, khoảng 12,6% (nhiệm kỳ 2010-2015). Tỷ lệ cán bộ nữ được luân chuyển so với nam giới cũng thấp: cấp tỉnh là 10%, cấp huyện là 14,9%.

 

Chỉ tiêu Nghị quyết số 11 đề ra đến hết năm 2020: đảng viên nữ đạt 40% tổng số đảng viên; 30% cán bộ nữ trở lên được tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ; từ 25% trở lên tham gia cấp ủy; 100% cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ…Tỉnh ủy Thái Nguyên đang thể hiện quyết tâm cao thực hiện các chỉ tiêu nói trên như yêu cầu UBND các cấp thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về việc bảo đảm cho các cấp hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước; yêu cầu Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở.

 

Như vậy, thực hiện quyền công dân nói chung, quyền của phụ nữ nói riêng được nêu trong Hiến pháp 1992 cũng như trong Hiến pháp 2013, Đảng và Nhà nước đã và đang làm nhiều việc thiết thực, cụ thể. Tuy nhiên, để bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn cho xã hội và gia đình, sự nỗ lực phấn đấu của mỗi người, khắc phục tư tưởng an phận cũng là điều kiện để phụ nữ phát triển.