Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII

14:42, 07/03/2017

Sáng nay (7-3), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Ðại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022, với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập” đã được khai mạc trọng thể, với sự tham dự của 1.153 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp phụ nữ trong cả nước.

Dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh.

 

Cùng dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương trong cả nước; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.

 

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khóa XI Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân; rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2012-2017; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2022; thông qua Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); bầu Ban Chấp hành Trung ương hội khoá XII thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ to lớn của phong trào phụ nữ và công tác hội thời gian tới.

 

Theo báo cáo đánh giá nhiệm kỳ 2012- 2017, nhiệm kỳ qua, Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Điểm nhấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ qua là phụ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Lần đầu tiên Việt Nam có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, việc vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững đạt kết quả ấn tượng. Các cấp hội đã giúp hơn 2,4 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó 430 nghìn hộ đã thoát nghèo; thành lập hơn 6.500 mô hình kinh tế hợp tác, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ.

 

Cũng trong nhiệm kỳ 2012-2017, các cấp hội đã đề xuất thành công 119 chính sách, trong đó có những chính sách tác động tích cực tới đời sống của phụ nữ, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Điển hình là chính sách giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ nữ cấp cơ sở; hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; quy định cụ thể tỷ lệ nữ ứng cử viên trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

 

Phát huy kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chuyên nghiệp; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp hội tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện hai khâu đột phá: Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ; nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ. Hội LHPN phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, cấp trung ương tham mưu đề xuất được ít nhất 5 chính sách/đề án; cấp tỉnh và huyện tham mưu đề xuất ít nhất 2 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ. Hằng năm, các cấp hội giám sát ít nhất 1 chính sách; đóng góp ý kiến, phản biện xã hội ít nhất 1 văn bản dự thảo có liên quan. Hằng năm, các cấp hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của hội đào tạo nghề phối hợp giới thiệu, đào tạo nghề cho 75.000 lao động nữ; hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập ít nhất 60 hợp tác xã do phụ nữ quản lý…

 

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tích của phong trào phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh, chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, phụ nữ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên trong gia đình, cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều tấm gương thầm lặng làm nhiều việc tốt, việc thiện đã tô đẹp thêm hình ảnh cao quý của phụ nữ Việt Nam.

 

Phân tích những thời cơ, thuận lợi cũng như thách thức đang đặt ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng, tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, các đại biểu sẽ đề xuất, thảo luận những giải pháp để phong trào phụ nữ và công tác hội ngày càng hiệu quả, thực chất và sôi nổi, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực.

 

Với Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, Tổng Bí thư đề nghị, hoạt động hội cần hướng mạnh về cơ sở, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từng thời kỳ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo hiệu quả rõ rệt, tránh hình thức, phô trương, hành chính hóa, lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả. Để đạt mục tiêu này, Hội LHPN cần đa dạng hóa nội dung hoạt động nhằm đáp ứng một cách thiết thực, hiệu quả nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ; chủ động giải quyết những vấn đề của chính phụ nữ ngay từ cơ sở; tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến. Hội tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Đồng thời, Hội cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp vận động phụ nữ. Các cấp hội kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến cơ sở…