Sự tín nhiệm của cử tri là thước đo quan trọng

10:29, 09/05/2021

Thực hiện vai trò, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) các cấp đã, đang tiến hành quá trình chuẩn bị và triển khai giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo đúng luật. Đặc biệt, MTTQ đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm khách quan, công tâm, chặt chẽ trong việc kiểm tra lý lịch đại biểu để lựa chọn được những người xứng đáng.  

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức xong hiệp thương lần thứ ba và bàn giao danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ba cấp (tỉnh, huyện, xã) cho Ủy ban bầu cử cùng cấp. Với vai trò, chức năng của mình, Ủy Ban MTTQ tỉnh đã góp phần quan trọng chuẩn bị cho ngày bầu cử. 

MTTQ có trách nhiệm tham gia bầu cử với 5 nội dung, mục đích để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, thành công tốt đẹp. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng của Mặt trận trong tham gia xây dựng chính quyền. Các công việc mà Mặt trận tham gia gồm có việc tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung bầu cử; tổ chức ba vòng hiệp thương để giới thiệu người ứng cử; tổ chức cho các ứng cử viên vận động tranh cử và giám sát thực hiện cuộc bầu cử bảo đảm đúng luật, thành công. Mục đích của công tác giám sát là phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên và người dân, đầu tiên là góp phần để cuộc bầu cử được tiến hành đúng luật. Song song với đó MTTQ chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền tạo không khí phấn khởi, nêu cao tình thần trách nhiệm của người dân khi tham gia bầu cử... 

Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các thành viên thẩm định hồ sơ, lý lịch các ứng cử trước khi tiến hành hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử.

Để lựa chọn được những người có đức, có tài, đợt này có một quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải được sự đồng ý của trên 50% cử tri nơi cư trú. Trong quy trình lựa chọn, sự tín nhiệm của cử tri là thước đo rất quan trọng về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp. Trong nội dung về quy trình lựa chọn, sàng lọc đã rất chú ý đến yếu tố tín nhiệm. Nếu ở địa bàn, cá nhân đó không có tín nhiệm, ở nơi công tác cũng thế thì ngay bước sàng lọc đầu tiên sẽ không đưa vào. Qua việc tiến hành công khai, dân chủ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện thông tin về đại biểu thiếu tiêu chuẩn cũng được phát huy. Đặc biệt, lần này có quy định về kê khai tài sản theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; theo quy định về công khai sơ yếu lý lịch. Các vấn đề về quốc tịch, thu nhập, tài sản... đều rất được chú ý trong đánh giá tiêu chuẩn đại biểu. Những nội dung quy định này đã được làm rõ và cụ thể hơn.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức giới thiệu người ứng cử đảm bảo đúng quy trình, thời gian. Đa số người được cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố giới thiệu người tham gia ứng cử HĐND cấp huyện, cấp xã được cử tri nơi công tác, nơi làm việc giới thiệu với tỷ lệ tín nhiệm cao. Cụ thể là:  Có 656/657 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện được cử tri nơi công tác, nơi làm việc nhận xét và tín nhiệm đạt 100% cử tri có mặt, 1 người đạt tỷ lệ tín nhiệm 98,5% cử tri có mặt; có 8.232/8.256 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã được cử tri nơi công tác, nơi làm việc nhận xét và tín nhiệm đạt tỷ lệ 100% cử tri có mặt; 24/8.256 người đạt tỷ lệ tín nhiệm 70% đến 99%