Ngày 27-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự Phiên họp tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (ảnh).
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại".
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; gắn với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội hiện nay cũng như các mục tiêu phát triển tới năm 2025, 2030 và 2045.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS trong sự phát triển chung của đất nước; thực hiện CĐS theo quan điểm liên tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Phương châm hành động là thực hiện nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể và hiệu quả nhất có thể; phát triển có lộ trình, có mục tiêu, an toàn bền vững...
Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho CĐS phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về CĐS, đến hết tháng 3, tất cả các bộ, ngành và địa phương đều đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS; 57/63 tỉnh, thành đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án về CĐS giai đoạn 5 năm, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực đẩy mạnh CĐS với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về nhân lực số, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam mới đạt trên 1%. Nước ta cần nâng tỷ lệ này lên tối thiểu 2% mới đáp ứng được nhu cầu về CĐS. Do đó, cần đào tạo nhân lực ngành kỹ thuật tăng khoảng 40% so với hiện nay.
Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ có cáp quang băng rộng là 68,8%.
Về kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về CĐS. Đến hết quý I đã có hơn 170.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận Chương trình. Bộ Tài chính đã chính thức triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử. Ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I đạt khoảng 53 tỷ USD, đóng góp 10,2% GDP...
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình CĐS ở các ngành, lĩnh vực; việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; nhân lực số; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả CĐS trong thời gian tới.