Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thái Nguyên luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, không quản ngại gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Truyền thống vẻ vang ấy là di sản vô cùng quý báu, đã và đang trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên lớp lớp cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Thực hiện Thông tư số 33-TT/DB, ngày 19/2/1947 của Bộ Quốc phòng, ngày 15/4/1947 tại Sân vận động thị xã Thái Nguyên, Tỉnh đội Bộ dân quân (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) chính thức được thành lập. Sự ra đời của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đánh dấu bước phát triển mới của LLVT tỉnh cho đến ngày nay. Từ đây, tỉnh Thái Nguyên chính thức có cơ quan chuyên trách, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố LLVT, thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng tại địa phương.
Ngay sau khi ra đời, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung vừa đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng, chiến đấu bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã có gần 32.500 người tham gia dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, hơn 17.800 người đã tòng quân đánh giặc; có hơn 1.600 người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, hơn 1.120 người là thương, bệnh binh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thái Nguyên tiếp tục được Trung ương chọn để xây dựng hậu phương. Nhiều cơ sở kinh tế, văn hoá - xã hội, nhiều công trình quốc phòng quan trọng được Trung ương cho triển khai xây dựng trên đất Thái Nguyên.
Bộ CHQS tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị mô hình, học cụ huấn luyện tại Ban CHQS huyện Định Hóa.
Là tỉnh có hệ thống giao thông chiến lược, quan trọng nối liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và quốc tế, chính vì vậy, Thái Nguyên là địa bàn trọng điểm tập trung đánh phá của máy bay địch. Cùng với cả nước, quân và dân Thái Nguyên đã trực tiếp tham gia, chiến đấu với quân thù; điển hình là bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000 trên bầu trời miền Bắc (rơi tại cánh đồng làng Chùa, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương). Với chiến công oanh liệt ấy, quân và dân Thái Nguyên đã nhận được Cờ thưởng luân lưu ''Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược'' của Bác Hồ trao tặng. Ngày 01/8/1966, sáu cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đội dân quân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ đã nổ súng kịp thời vào một tốp 2 máy bay địch, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay phản lực RF4c bằng 18 viên đạn súng bộ binh. Trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, hai “Pháo đài bay” chiến lược B52 đã bị bắn rơi trên bầu trời Thái Nguyên...
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta được hoàn toàn giải phóng. Cùng với quân và dân cả nước, LLVT và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên bước vào thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Ngoài nhiệm vụ tham gia chiến đấu, Thái Nguyên còn đưa gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ lên xây dựng các công trình phòng thủ chiến đấu trên dọc tuyến Quốc lộ 3A và 1B; đào đắp 437.544m3 đất đá, làm 17 trận địa phòng ngự cấp trung đoàn và tiểu đoàn; đào gần 1.000 hầm chiến đấu, 10.000 hố cá nhân... Qua đó, góp phần to lớn cùng quân và dân các tỉnh biên giới bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác... 83 tập thể, 17 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, 579 bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bốn năm liên tục, từ năm 2018 đến năm 2021, Bộ CHQS tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua xuất sắc, nhiều tập thể, cá nhân được tặng những phần thưởng cao quý khác...
Không gian văn hoá quân nhân tại một đơn vị.
Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, bước vào giai đoạn mới, LLVT tỉnh tiếp tục để lại dấu ấn tốt đẹp trên tất cả các mặt công tác, nhất là làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
LLVT tỉnh đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng - an ninh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động phát huy tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quân sự - quốc phòng của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu từng bước được đổi mới, sát với tình hình thực tế tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong LLVT và toàn dân, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác quốc phòng, quân sự địa phương nói riêng; chăm lo củng cố, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, tạo cơ sở xây dựng các tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Những năm qua, LLVT Thái Nguyên đã xây dựng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình bằng những việc làm thiết thực như: Giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tiên phong trên tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19; chung sức xây dựng nông thôn mới; giúp dân làm kinh tế, giảm nghèo; tích cực tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đập tan mọi âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn cũng như tô đậm tình cảm quân dân trong lòng đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
75 năm đã đi qua, là quãng thời gian không dài của lịch sử nhưng cũng đủ để thấy rõ vị trí, ý nghĩa và vai trò to lớn của LLVT tỉnh trong sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc nói chung và của Thái Nguyên nói riêng. Là tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cùng 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba, LLVT tỉnh đã và sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của quê hương “Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”, làm rạng rỡ thêm trang sử vàng truyền thống mà lớp lớp các thế hệ cha anh đã gây dựng nên.
Qua đó, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, vững bước trên con đường đổi mới, sớm trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã đề ra; góp phần hiện thực hóa mong muốn của Bác Hồ khi Người về thăm Thái Nguyên vào năm 1964 đó là: Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta.