Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở rất cần thiết

14:32, 13/04/2022

Góp ý kiến vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đa số đại biểu nhất trí rằng, Luật rất cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.

Theo đó, tại Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 13-4, các đại biểu đã nêu 15 ý kiến đóng góp. Trong đó, tập trung phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; việc thể hiện nguyên tắc thực hiện dân chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư, các nội dung liên quan dân bàn, dân biểu quyết trực tiếp nên mở rộng, bổ sung như thế nào cho phù hợp…

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 49 điều, trong đó có nhiều điểm mới so với Luật cũ, như: Bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ, công chức, người lao động trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung, đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin; bổ sung hình thức kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền…