Sáng 10-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội và một số báo cáo khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. |
Tạo nhiều điểm sáng tích cực
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước (từ sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đến nay) thông qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của các đoàn đại biểu Quốc hội, qua nắm bắt tình hình nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận, cử tri và nhân dân đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.
Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, nắm tình hình, ứng phó diễn biến mới để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiết kiệm triệt để, giảm chi tiêu không cần thiết.
Bên cạnh đó, cử tri lo lắng tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương, nhiều người xin nghỉ việc do áp lực công việc, do tiền lương thực tế và thu nhập chưa bảo đảm đời sống; đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua…
Cử tri cũng lo lắng học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng, giá xăng dầu có giảm nhưng nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển vẫn còn ở mức cao.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 nội dung cụ thể. Trong đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, về cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục… để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề nghị nghiên cứu đưa giá sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước quản lý giá; các cơ quan có thẩm quyền tham mưu điều chỉnh những vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa, xã hội hóa, tự chủ đại học cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước; khẩn trương nghiên cứu thể chế hóa kịp thời kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; có hình thức phù hợp biểu dương, động viên những tấm gương tiêu biểu dám dấn thân vào nơi khó khăn, đương đầu với việc khó vì lợi ích chung.
82,2% kiến nghị của cử tri được giải quyết
Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp thứ ba, có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.171 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 82,2%.
Đối với kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp 4.937 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.855 vụ việc; 178 lượt đoàn đông người. So với cùng kỳ năm trước, tăng 14% lượt người và tăng 15,07% vụ việc. Các cơ quan đã tiếp nhận 26.910 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến; trong số 10.301 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 4.369 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thảo luận về các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong các kiến nghị gửi đến Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cần đặt lên hàng đầu việc chủ động có các giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn do tác động của bối cảnh thế giới, để từ đó ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo các ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, cần làm nổi bật vấn đề cử tri quan tâm cụ thể như tội phạm lừa đảo và đánh bạc trên không gian mạng; cháy nổ nghiêm trọng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, thời gian qua, nổi lên vấn đề quản lý về cư trú khi cấp giấy xác nhận nơi cư trú sau khi thu hồi sổ hộ khẩu (khi điều chỉnh thông tin nơi cư trú), do đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm hướng dẫn thủ tục thuận tiện cho người dân, đồng thời, rà soát để sửa đổi, bãi bỏ các quy định lấy nơi cư trú làm điều kiện thực hiện thủ tục hành chính và hướng dẫn người dân các nội dung liên quan đến căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, ở một số địa phương, có hiện tượng chính quyền cấp phường ra quyết định xử phạt hành chính đối với phụ huynh không đưa con đi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, xử phạt như vậy không đúng quy định của Chính phủ khi hiện nay, dịch Covid-19 chưa được đưa vào danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, đặc biệt là đối với trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.
“Đây là công tác vận động, tuyên truyền. Đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo phù hợp để tránh tình trạng thực thi pháp luật chưa đúng, chưa đầy đủ, gây bức xúc cho người dân“, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội; đồng thời, đề nghị bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Theo Hà Nội mới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin