Tuổi trẻ Thái Nguyên với chuyển đổi số

Thu Nga 15:24, 09/10/2022

Với nhiều giải pháp sáng tạo cùng hành động quyết liệt, hiệu quả trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã khơi dậy sự nhiệt huyết, năng động, nhạy bén với khoa học công nghệ của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp sức vào công cuộc xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Đoàn Thanh niên phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) số hóa di tích Đền Cột Cờ.
Đoàn Thanh niên phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên) số hóa di tích Đền Cột Cờ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 334 nghìn đoàn viên thanh niên (ĐVTN), chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Đây là nguồn nhân lực trẻ, có năng lực, trình độ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy CĐS trên địa bàn tỉnh. 

Anh Phạm Văn Đạt, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Phong trào Tỉnh đoàn cho biết: Để thu hút lực lượng ĐVTN tham gia tích cực vào quá trình CĐS, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn định hướng xây dựng chương trình hành động về CĐS phải gắn với một trong các nội dung của 3 phong trào hành động cách mạng và 3 chương trình đồng hành với thanh niên. Đồng thời, chủ động triển khai chương trình CĐS theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành và huy động lực lượng ĐVTN xung kích, đi đầu trong thực hiện chương trình CĐS.

Trên cơ sở này, các tổ chức cơ sở Đoàn trên toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động các thanh niên tình nguyện, xung kích hỗ trợ CĐS; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS cho cán bộ, ĐVTN và nhân dân. Theo đó, đã có hơn 2.500 tình nguyện viên tham gia; hỗ trợ nhân dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng điện từ phòng, chống COVID-19. Các huyện, thành Đoàn cũng tổ chức hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên và người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để giải quyết thủ tục hành chính; hướng dẫn triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...

Tận dụng những lợi thế sẵn có của mạng xã hội, Tỉnh đoàn thành lập và duy trì trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn Thái Nguyên, trang fanpage Tuổi trẻ Thái Nguyên và thu hút hơn 8 nghìn lượt người theo dõi. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và duy trì 16 trang fanpage của đoàn cấp huyện và tương đương. Từ trang thông tin điện tử và trang fanpage này, đoàn viên đã kịp thời cập nhật thông tin về phong trào, hoạt động đoàn; những mô hình hay, điển hình tiên tiến; những thông tin thời sự trong nước, địa phương; các bài viết định hướng, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về tầm quan trọng của CĐS.

Thông qua nền tảng số, không ít hoạt động trực tuyến được triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, ĐVTN tham gia. Như phong trào “Tôi yêu Thái Nguyên” đã được triển khai đến hơn 100 nghìn đoàn viên tại 484 cơ sở đoàn trên toàn tỉnh; tổ chức hội nghị trực tuyến thông tin kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới hơn 4 nghìn cán bộ Đoàn, ĐVTN từ 145 điểm cầu trên toàn tỉnh; huy động đoàn viên tham gia Hội thi Olimpic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ IV, năm 2021 thu hút số lượng thí sinh tham gia và lượt thi đứng thứ 2 toàn quốc với gần 16 nghìn thí sinh tham gia...

Trong công tác tổ chức đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XV, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã quán triệt thực hiện CĐS trong triển khai tổ chức đại hội Đoàn các cấp, cụ thể như: Tài liệu, văn kiện đại hội được chuyển thành mã QR để đại biểu dự đại hội có thể tải về, xem trực tiếp trên các thiết bị di động thông minh, triển lãm giới thiệu kết quả hoạt động của nhiệm kỳ, nông sản địa phương bằng hình ảnh 3D, số hoá các địa chỉ đỏ chào mừng đại hội đoàn các cấp...

Thông qua các hoạt động thực tế, các đoàn viên, thanh niên ngày càng nhận thức rõ được các giá trị to lớn mà CĐS sẽ mang lại. Sự vào cuộc của các cấp bộ đoàn sẽ đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong Chương trình CĐS, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.