Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Đại hội đồng AIPA-43

Theo nhandan.vn 12:20, 21/11/2022

Sáng nay, 21/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, diễn ra Lễ khai mạc trọng thể Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự các hoạt động chính trong khuôn khổ Đại hội Đồng AIPA-43.

Trực tiếp lần đầu sau dịch COVID-19

Theo chương trình của Ban Tổ chức, Lễ khai mạc sẽ bắt đầu bằng bài hát AIPA, chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của nước chủ nhà; tiếp đó các đại biểu từ nhiều quốc gia tham dự Đại hội đồng sẽ lắng nghe thông điệp của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; phát biểu chào mừng của Ngài Say Chhum, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, phát biểu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch ASEAN và phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, Chủ tịch AIPA- 43.

Tối qua, 20/11, tại Thủ đô Phnom Penh, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA đã tham dự Phiên họp Ban Chấp hành AIPA.

Tại Phiên họp, Ban Chấp hành AIPA đã thảo luận và thông qua: Chương trình hoạt động của Đại hội đồng AIPA-43; thành phần Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA, Nghị sĩ trẻ, các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, Đối thoại với Quan sát viên, Thông cáo chung; thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA- 44...

Đây là Đại hội đồng đầu tiên của AIPA được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19. Chủ đề của Đại hội đồng lần này phù hợp với Chủ đề chung của ASEAN năm nay là “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”, thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Campuchia đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng đồng đều, vững mạnh và bao trùm.

Chủ đề của Đại hội đồng nhấn mạnh tinh thần cốt lõi của ASEAN cùng nhau hướng tới một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và liên kết khu vực, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào kiến tạo và duy trì hoà bình và phát triển, đẩy mạnh giao lưu nhân dân.

Quang cảnh phiên họp Ban Chấp hành AIPA-43, tối 20/11. (Ảnh TTXVN)
Quang cảnh phiên họp Ban Chấp hành AIPA-43, tối 20/11. (Ảnh TTXVN)

Tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm

Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA trực tiếp sau đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh 2 nước có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022, chào mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (24/6/1967 – 24/6/2022, Việt Nam thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Campuchia ở mức cao nhất để Campuchia hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch AIPA và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-43.

Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của AIPA tháng 9/1995, Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng Nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong AIPA, đẩy mạnh hợp tác nội khối, đồng thời kiên trì, khéo léo đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.

Quốc hội Việt Nam khi tham gia AIPA lần này tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội/Nghị viện các nước ASEAN đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân các nước ASEAN, đồng hành chung tay cùng Chính phủ đối phó với các thách thức bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình thông qua các chức năng lập pháp, giám sát, tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân.

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự vào cuộc chủ động của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả ngoại giao vaccine, tiêm phủ trong toàn dân để ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; ban hành và thực hiện hàng loạt các giải pháp cấp bách theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động… giúp khôi phục vững chắc hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi qua từng quý từ cuối năm 2021 tới nay.

Những bài học kinh nghiệm phong phú, đa dạng trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của mỗi đại biểu Quốc hội trong đại dịch COVID-19 hiện nay đã khẳng định Quốc hội “chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân.

Những sáng kiến khác như việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường, một luật sửa nhiều luật… đều giúp Chính phủ giải quyết kịp thời những khó khăn phát sinh trong bối cảnh hết sức bất thường thời kỳ hậu COVID-19. Đây là những sáng kiến lập pháp mà Quốc hội Việt Nam có thể chia sẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA.

Tại Đại hội đồng AIPA-43, dự kiến sẽ có 11 Nghị quyết về các vấn đề nội dung, 20 Nghị quyết về các vấn đề tổ chức và 1 Tuyên bố chung của Đại hội đồng AIPA-43 được thông qua

Ban tổ chức cho biết, Lễ bế mạc dự kiến có Trao giải thưởng vì sự cống hiến xuất sắc AIPA, chuyển giao nhiệm vụ của Tổng thư ký AIPA, phát biểu bế mạc của Chủ tịch AIPA-43, chuyển giao nhiệm kỳ Chủ tịch AIPA và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch AIPA-44 Indonesia.

Đại hội đồng tập trung thảo luận các vấn đề: Hòa bình, an ninh, chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN; Tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định khu vực Đông Nam Á;

Thúc đẩy hợp tác nghị viện vì sự tăng trưởng kinh tế xã hội bao trùm và bền vững thông qua cách tiếp cận tích hợp các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị ESG; Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện;

Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện; Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong ASEAN; Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì sự phục hồi bền vững, bao trùm và tự cường sau COVID-19; Nâng cao vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Phát huy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.