Chiều 3-11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nêu nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, về nợ đọng xây dựng cơ bản và quy hoạch phát triển đô thị.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. |
Sau khai mạc phiên họp, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.
Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nêu, nợ đọng xây dựng cơ bản là vấn đề lớn và tồn tại từ lâu. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng. Đơn cử, có doanh nghiệp có số vốn 1.350 tỷ nhưng nợ đã lên 1.041 tỷ, chủ yếu là chủ đầu tư ngoài ngân sách và nợ khó đòi là 879 tỷ. Muốn thi công thì nhà thầu phải bảo lãnh, có tới 4 bảo lãnh gồm bảo lãnh đấu thầu, thực hiện hợp đồng, tạm ứng và bảo hành nhưng không có quy định chủ đầu tư phải bảo lãnh thanh toán.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết giải pháp nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động kinh tế cũng như hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đang khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, việc quản lý phát triển đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề cản trở tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Từ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị và xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 1-2018. Tuy nhiên, do chưa đạt yêu cầu nên chưa được đưa vào chương trình. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian trình dự án Luật quan trọng, cấp thiết này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể ký kết hợp đồng xây dựng, pháp luật về xây dựng cũng quy định rất cụ thể về ràng buộc trách nhiệm đôi bên nhận thầu cũng như bên giao thầu. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, không áp dụng với dự án sử dụng vốn khác.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, thời gian tới sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến hợp đồng xây dựng để đảm bảo chặt chẽ, bình đẳng, giải quyết những bất cập trong thời gian qua.
Về Luật Quản lý phát triển đô thị, Bộ trưởng cho biết, dự án Luật đã được trình 2 lần nhưng chưa được thông qua. Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Triển khai thực hiện Nghị quyết 06, Bộ Xây dựng đã rà soát, đánh giá và đề xuất với Chính phủ xây dựng dự án Luật này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay việc quy hoạch xây dựng nhà chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Điển hình như sai phạm trong quy hoạch xây dựng nhà tại hai bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), phá vỡ quy hoạch và mất cảnh quan đô thị. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tồn tại trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đúng như ý kiến đại biểu, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vẫn còn trường hợp tùy tiện, không đúng yêu cầu, phá vỡ quy hoạch.
Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác rà soát, đánh giá quy hoạch còn chưa kịp thời; nội dung quy hoạch chưa đầy đủ, chưa thấu đáo; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, không tính đến sự phù hợp giữa các quy hoạch. Còn có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ, do mong muốn thu hút đầu tư hoặc cũng có thể do áp lực từ nhà đầu tư, không tính đến sự phù hợp và khả năng đáp ứng của hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị.
Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát hiện, cũng như hướng dẫn các địa phương thận trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.
Bộ Xây dựng cũng chưa kịp thời rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo các quy định được chặt chẽ hơn, nhất là quy định về điều chỉnh quy hoạch; đồng thời cũng chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và công tác điều chỉnh quy hoạch.
Cũng tại phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã trả lời chất vấn của các đại biểu về phát triển nhà ở xã hội, tình hình thị trường bất động sản...
Sáng mai (4-11), Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Tiếp đó, Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin