Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 9-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện với 444 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 89,16%.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại 2 phiên họp thứ 14 và 15. Thông báo kết luận về nội dung này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định những nguyên tắc, những vấn đề chung nhất, những nội dung đặc thù và còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về dự án Luật. Quốc hội dành thời gian để thảo luận ở tổ với 107 ý kiến phát biểu. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì soạn thảo theo phân công của Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ.
Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ nhất trí với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội; thống nhất với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, ghi nhận sự cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo trong tiếp thu các ý kiến.
Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9-11. |
Đại biểu Hoàng Anh Công khẳng định có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc ban hành Luật. Cùng với đó, hồ sơ dự án Luật cũng đã đủ điều kiện để trình Quốc hội, bố cục dự thảo Luật được thiết kế khoa học, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng dự thảo đã quy định khá bao quát, đầy đủ những nội dung được đề cập; không mâu thuẫn, chồng chéo với các luật chuyên ngành khác.
Về chính sách của Nhà nước đối với phòng thủ dân sự, đại biểu Hoàng Anh Công nêu rõ, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh thì việc huy động sức dân, huy động được sức mạnh tổng hợp của xã hội là rất quan trọng. Do đó cần thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước trong việc động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân xây dựng những công trình và sản xuất trang thiết bị lưỡng dụng về phòng thủ dân sự.
Đại biểu Hoàng Anh Công chỉ rõ, thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều thiên tai lớn xảy ra nhưng chưa cảnh báo được hậu quả và cấp độ dẫn đến thiệt hại rất lớn. Vì vậy cần có quy định về khuyến khích việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Anh Công cũng góp ý cụ thể nội dung Điều 9 của dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm. Đề nghị có thêm điều khoản quy định về trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy trong hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh. Bổ sung quy định về huy động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, trong đó quy định rõ việc Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ để phục vụ khắc phục hậu quả do thảm họa sự cố gây ra…
Ngày mai (10-11), Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin