Rà soát kỹ, đánh giá các tác động, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi hoàn thiện các dự án Luật. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11-2022 diễn ra chiều 25-11 tại Trụ sở Chính phủ.
Phiên họp xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật di sản văn hóa (sửa đổi), xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11-2022. |
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tổ chức họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tháng vừa qua, Quốc hội đã thông qua 6 Luật, cho ý kiến về 7 Luật, chỉnh lý 1 Dự án Luật là Luật Khám, chữa bệnh. Tháng trước chúng ta đã trình Quốc hội 14 Dự án Luật để xem xét thông qua. Tới đây chúng ta tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Khám, chữa bệnh để trình vào kỳ họp gần nhất có thể. Hôm nay, phiên họp tiếp tục bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về xây dựng pháp luật. Các bộ trưởng, trưởng ngành cần tập trung để hoàn thành chương trình định kỳ hằng năm.
Trên cơ sở thực tiễn, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành rà soát, xem lại có gì vướng mắc để tháo gỡ, cái gì luật pháp chưa quy định nhưng thực tiễn đòi hỏi để bổ sung, tháo gỡ. Đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà chúng ta cần tập trung công sức giải quyết.
Theo phân công của Chính phủ, việc này giao các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Do đó, các đồng chí phải nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác này, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do luật pháp, thực tiễn diễn ra mà chưa có luật, quy định, cần khẩn trương hoàn thiện, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp, cho việc tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng mong các thành viên Chính phủ dành thời gian thỏa đáng, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan thuộc thẩm quyền để tập trung hoàn thiện đạt 2 mục tiêu là kịp tiến độ, nâng cao chất lượng, tránh việc “vừa làm xong lại thấy vướng”.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp thu, chọn lọc, bảo đảm tính tổng thể, toàn diện. Thủ tướng nhấn mạnh, tổng kết phải kỹ lưỡng hơn, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, vừa khắc phục vướng mắc cần tháo gỡ, vừa phủ kín những vấn đề chưa xuất hiện trong Luật; về phạm vi, đối tượng của dự án Luật phải bao quát rộng hơn; rà soát không để bị trùng lặp, khoảng trống pháp luật, khó khăn khi vận dụng, thực hiện sau này.
Thủ tướng đề nghị cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý nhà nước; Bộ chủ quản chỉ nên tập trung làm nhiệm vụ chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển; tăng cường quản lý nhà nước bằng các công cụ pháp lý; phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổng kết, nhân rộng mô hình, thi đua khen thưởng. Nỗ lực huy động nguồn lực hợp tác công tư, nguồn xã hội hóa, có cơ chế, cách quản lý hiệu quả, sử dụng đấu thầu quản lý; đưa vào giáo dục phổ thông truyền thống lịch sử; tinh thần chuyển đổi số trong quản lý bảo tàng, xây dựng bảo tàng số, tăng tính hấp dẫn; khai thác di sản văn hóa để phát triển du lịch.
Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gom lại thành các nhóm chính sách, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chính sách cần cụ thể, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tránh xung đột, phù hợp các cam kết quốc tế; mục tiêu rõ hơn, khả thi hơn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản…
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục chính sách rà soát, đánh giá kỹ tác động của các chính sách, toàn diện hơn; cần huy động các cán bộ có lý luận, thực tiễn, có trách nhiệm; các Bộ cần tăng cường nguồn lực cho việc xây dựng Luật.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động rà soát, tích cực nghiên cứu, chuẩn bị, trình Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu ý kiến tại cuộc họp; nêu rõ, cần rà soát lại xem đã đúng với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, có phù hợp với các Hiệp định Thương mại tự do, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hay không; rà soát lại các chính sách để thể hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả; lưu ý tính định lượng, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp dưới, phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra; khơi thông nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững. Có cơ chế hợp tác thu hút nguồn lực hợp tác công tư; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Rà soát kỹ các tiêu chuẩn, quy chuẩn để thống nhất với luật chuyên ngành, tránh việc bỏ sót hoặc có khoảng trống pháp lý...
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, cùng với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin