Thủ tướng và những chuyến đi

Phạm Tiếp (TTXVN) 16:45, 01/01/2023

Xuân Quý Mão 2023 đang về trên muôn nẻo. Khác với xuân Nhâm Dần năm ngoái, năm nay mọi người, mọi nhà không còn rụt rè mà mở toang cánh cửa đón Xuân về. Để có được cảm giác tự tin như ngày hôm nay, cả đất nước đã trải qua một năm với bao khó khăn, thử thách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án tuyến đường sắt đô thị Metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án tuyến đường sắt đô thị Metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đã "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, doanh nghiệp phục vụ.

Nói đến hoạt động của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ trong năm qua, trong nhiều điều có thể kể, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều có cảm nhận chung về một Chính phủ chủ động, tích cực, sâu sát, quyết liệt hành động và hầu như không có ngày nghỉ cuối tuần. Đối với tôi - phóng viên theo chân Thủ tướng, một trong những điều tôi ấn tượng là những chuyến đi của Thủ tướng.

Xuống máy bay về ngay phòng họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên các hộ dân phải di dời để giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, động viên các hộ dân phải di dời để giải phóng mặt bằng cho tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ngay từ đầu năm, ngoài đi chúc Tết tại một số tỉnh, thành phố, từ mùng 4 Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác "xuyên Tết, xuyên Việt" để chúc Tết và kiểm tra, đôn đốc thi công các công trình giao thông trọng điểm gồm các tuyến đường bộ cao tốc và sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai. Bởi theo Thủ tướng những công trình này là thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định, người dân đang mong chờ, và hơn nữa đây cũng là những công trình góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu cho phục hồi, phát triển.

Sau khi Thủ tướng đến kiểm tra, khảo sát, chỉ đạo, giao nhiệm vụ, những khó khăn của các dự án như về vật liệu, tài chính, cơ chế phối hợp, thủ tục đầu tư... được khơi thông; không khí thi công tại các công trường trở nên sôi nổi, gấp rút. Đến nay, hầu hết các dự án trở lại quỹ đạo. Đơn cử, sau khi Thủ tướng Chính phủ đi khảo sát, những vướng mắc về mặt bằng triển khai dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh được tháo gỡ, những ngày cuối năm 2022, nhà ga T3 đã được khởi công xây dựng.

Cũng trong năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các chuyến công tác tới 25 tỉnh, thành phố từ Bắc tới Nam. Thủ tướng thường dành thời gian xuống địa bàn kiểm tra, khảo sát thực tế, nhất là đối với các công trình hạ tầng chiến lược hoặc công trình an sinh xã hội, cơ sở kinh tế quan trọng tạo ra của cải vật chất cho địa phương.

Trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình, khi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và gợi mở, định hướng phát triển bền vững của từng địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo cụ thể tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong quá trình phát triển của các địa phương.

Điều được Thủ tướng thường xuyên nhắc khi làm việc tại các địa phương là phải xây dựng, hoàn thiện quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; phát triển hạ tầng, tạo không gian phát triển mới, trong đó dành vị trí thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn viêc làm, của cải vật chất lâu dài, bền vững, không nên chỉ phát triển bất động sản nhà ở đơn thuần.

Như Thủ tướng thường nói, cùng với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, xử lý những vấn đề phát sinh, phải tập trung xử lý các công việc tồn đọng kéo dài. Cùng với tập trung chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, trong năm 2022, khi có thời gian, Thủ tướng thực hiện chuyến công tác khảo sát thực địa, đôn đốc, xử lý những khó khăn, vướng mắc tồn đọng tại nhiều dự án như: Nhiệt điện Ô môn, Nhiệt điện Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, các bệnh viện Trung ương tuyến cuối tại Hà Nam, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành...

Tại mỗi công trình, dự án đến kiểm tra, Thủ tướng thường "truy đến cùng" về "khó khăn, vướng mắc cái gì, ở đâu, khâu nào, ai chịu trách nhiệm, đề xuất xử lý thế nào...". Trên cơ sở khảo sát, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung dành thời gian, công sức xử lý các dự án. Riêng đối với 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài của ngành Công Thương, đến nay đã có phương án xử lý đối với 5/12 dự án và đang rất tích cực xây dựng phương án khả thi, tốt nhất có thể đối với 7/12 dự án còn lại, các dự án phát sinh khác. Đặc biệt đã xử lý xong, đưa vào hoạt động các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1...

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng với các chuyến công tác trong nước, trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có 3 chuyến công tác nước ngoài. Trong các chuyến công tác nước ngoài, trung bình hàng ngày từ sáng sớm đến chiều muộn, Thủ tướng thường có từ 8 - 12 hoạt động. Ở mỗi chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế ở khắp các châu lục.

Đơn cử trong chuyến công tác châu Âu, Thủ tướng có 14 cuộc gặp với lãnh đạo EU, lãnh đạo các nước ASEAN và các nước EU; hay nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Campuchia, Thủ tướng có 16 cuộc gặp với lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác.

Năm 2022, Thủ tướng cũng đã đón, hội đàm, hội kiến, tiếp, điện đàm với gần 90 lãnh đạo, quan chức các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Trong các hoạt động đối ngoại, bên cạnh thảo luận, đưa ra các thỏa thuận hợp tác cụ thể với từng đối tác, Thủ tướng đều truyền đi thông điệp: Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trên cơ sở đó, những vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, người đứng đầu Chính phủ luôn kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm, hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giúp thực hiện các cam kết tại COP26; kêu gọi thực hiện công bằng, công lý trong thực hiện chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kêu gọi mở rộng đầu tư vào Việt Nam và mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường các nước, trên quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đáng chú ý, trạng thái quan hệ đối với một số nước, đối tác đang có sự thay đổi. Nếu như trước đây khi Việt Nam còn khó khăn do chiến tranh, các nước, đối tác quan hệ với Việt Nam có tính chất ủng hộ, thì nay là hợp tác bình đẳng. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng đối chất mọi vấn đề mà một số nước, đối tác còn chưa thông suốt để hiểu nhau hơn, có tiếng nói đồng thuận, ủng hộ, hợp tác.

Các chuyến công tác nước ngoài và hoạt động đối ngoại của Thủ tướng được đánh giá là hết sức thành công, đóng góp nhiều sáng kiến giá trị, tạo dấu ấn đậm nét, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN - EU và thăm chính thức Vương quốc Bỉ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm ASEAN - EU và thăm chính thức Vương quốc Bỉ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Là người từng học tập, công tác nhiều năm ở nước ngoài, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của những người con xa xứ nên bên cạnh các hoạt động song phương, đa phương, mỗi khi công tác nước ngoài, Thủ tướng đều dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam dù ở đó số lượng người Việt ít hay nhiều.

Khi gặp bà con, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào khác là giữ vững độc lập, tự do; lo cho người dân sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc, trong đó có đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, vì người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Đại sứ quán, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa cho đời sống vật chất và tinh thần của bà con; tạo điều kiện có nhiều hoạt động thiết thực để cộng đồng Việt Nam có các hoạt động, duy trì văn hóa Việt Nam ở nước sở tại. Ông căn dặn: "Đại sứ và các cơ quan liên quan phải coi công việc của bà con như công việc của nhà mình để giải quyết công việc của bà con như giải quyết công việc của nhà mình".

Việc "chân lội đất, tay vạch cây tạo lối đi", "ngày làm việc, đêm di chuyển", hay "xuống máy bay về ngay phòng họp" không còn là chuyện hiếm gặp khi công tác cùng Thủ tướng. Đặc biệt, là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về hoạt động của Chính phủ, dù hoạt động ở địa phương hay công tác nước ngoài Thủ tướng Chính phủ vẫn sát sao chỉ đạo, điều hành công việc chung của Chính phủ. Nhiều chỉ đạo, quyết định quan trọng vẫn được Thủ tướng đưa ra khi đang công tác ngoài Hà Nội.

Mồ hôi vẫn chưa khô trên đôi vai người cầm lái

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Còn nhớ, năm 2021 khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, mọi người ấn tượng mạnh với chiếc áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đi cơ sở kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch. Tưởng chừng những nỗ lực và thành quả chống dịch có thể giúp cả nước dễ dàng trong phục hồi, phát triển kinh tế. Thế nhưng những khó khăn vẫn nối tiếp khó khăn.

Tình hình thế giới diễn biến phức tạp hơn, biến động nhanh, nhiều yếu tố mới xuất hiện, chưa có tiền lệ. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại của nền kinh tế, đặc biệt trong những tháng cuối năm và đối với các thị trường nhạy cảm như trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, bất động sản.

Tuy nhiên, với quan điểm: "Non cao cũng có đường trèo; Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi", Thủ tướng chỉ đạo "chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong biến đổi và xáo trộn".

Nhớ lại đầu năm 2022 tình hình COVID-19 vẫn rất căng thẳng, thời điểm chuyển hướng chiến lược đầy khó khăn, nhiều ý kiến còn băn khoăn lo ngại việc mở cửa đất nước. Song nhờ sự sáng suốt, sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều điểm sáng tích cực, với 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội ước tính đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cả nước kiểm soát tốt dịch COVID-19. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%. Các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới với khoảng 8%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt.

Cùng với kinh tế, vấn đề an sinh xã hội cũng được đặc biệt quan tâm, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, không ai bị bỏ lại phía sau. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố, nâng lên...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thành quả đó, Chính phủ chưa bao giờ cho là công sức của riêng mình mà như Thủ tướng Chính phủ thường nói, đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Lời nói của Thủ tướng cho ta hiểu rằng chỉ có sức mạnh đại đoàn kết mới giúp ta vượt mọi thác ghềnh đi lên, mỗi người cần hòa mình vào đất nước, dân tộc, nhân dân để mỗi mùa xuân ta lại thấy vui hơn.

Dự báo năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Song trên tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả", chúng ta tin năm sau sẽ lại có thêm một mùa xuân thắng lợi


Từ khóa:

Thủ tướng Phạm Minh Chính