Dân vận khéo: Tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng

Linh Lan 10:49, 31/12/2022

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đề ra ba khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực phía Nam; ưu tiên giải phóng mặt bằng (GPMB) tạo quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư. Nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác này, tỉnh xác định thực hiện tốt công tác dân vận trong GPMB, coi đây là nhiệm vụ then chốt.

Các cán bộ làm công tác dân vận ở phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên) đến tận hộ để thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng.

Ban đêm, trên phố đi bộ ở TP. Phổ Yên lung linh ánh đèn, nhộn nhịp hàng quán, đón bao du khách tới vui chơi, thưởng ngoạn. Phố đi bộ ven sông dài gần 2km, rộng 4m càng đẹp hơn khi nằm trong tổng thể tuyến kè đá bao quanh toàn bộ khu vực ngoại đê của phường Tân Phú, dài 4,5km, thuộc Dự án kè đê Chã.

Là người con của làng Phú Cốc, xã Tân Phú (nay là phường Tân Phú, TP. Phổ Yên), chứng kiến sự đổi thay của quê hương đang diễn ra từng ngày, ông Trần Văn Chín trào dâng cảm xúc vui mừng, tự hào. Ông tâm sự: Từ làng nghề trồng dâu nuôi tằm một thời, với bao nghèo khó... giờ Phú Cốc đã trở thành phố thị. Với sự thay đổi nhanh chóng của quê hương, tôi tin rằng “Cảng Phú Cốc” sẽ sớm được khởi công xây dựng, vận tải trên tuyến sông Cầu sẽ trở lại sôi động như xưa.

Không riêng ông Chín mà bao người con của đất Phổ Yên đã và đang tự hào về sự phát triển của một địa phương thuần nông, nay vươn mình lên thành phố trẻ thông minh, hiện đại, năng động. Kết quả này có được nhờ việc đẩy mạnh thu hút đầu tư đồng bộ, trong đó có vai trò quan trọng từ công tác dân vận khéo trong thực hiện GPMB.

Năm 2022, TP. Phổ Yên thực hiện bồi thường, GPMB trên 200ha cho các công trình, dự án.

Theo đồng chí Bùi Văn Lương, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Từ chủ trương xây dựng thành phố, công tác GPMB nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận nhân dân. Điển hình về công tác GPMB là tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn qua Phổ Yên dài khoảng 33km. Dự án cần thu hồi diện tích trên 213ha, liên quan đến gần 3.000 hộ dân. Để Dự án được triển khai đúng tiến độ, thành phố đã dốc toàn lực cho công tác GPMB.

Nhờ thực hiện tốt công tác GPMB, đến nay Dự án cầu Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) đã được hoàn thành trên 60% khối lượng thi công, dự kiến đưa vào sử dụng trước tháng 6/2023. Trong ảnh: Phối cảnh cầu Huống Thượng.

Được khởi công từ tháng 5/2022, đến nay Phổ Yên và Đại Từ (liên quan đến Dự án này, huyện Đại Từ cũng có hơn 41ha đất được thu hồi, với 245 hộ bị ảnh hưởng) đã GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư gần 150ha (đạt 70%). Hiện, các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành Dự án vào cuối năm 2024 theo đúng kế hoạch.

Với TP. Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, địa phương thực hiện GPMB trên 1.160 dự án (trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm, yêu cầu tiến độ nhanh), ảnh hưởng tới trên 10.000 hộ dân, tổ chức. Tổng diện tích đất thu hồi gần 540ha, số tiền bồi thường, hỗ trợ là trên 5.900 tỷ đồng. Với khối lượng GPMB lớn như vậy, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác dân vận, cơ bản các dự án đều nhận được sự đồng thuận của người dân.

Hiện, TP. Thái Nguyên đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, điển hình như: Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực, chương trình đô thị miền núi phía Bắc; sân vận động Thái Nguyên; khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố; cầu Quang Vinh 1, 2…

Đồng chí Hoàng Thị Minh Thu, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Thái Nguyên, cho biết: Trong GPMB phải lấy tuyên truyền, thuyết phục là chính. Thành phố chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác GPMB thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục đúng quy định, đảm bảo tiến độ và không phải tổ chức cưỡng chế một trường hợp nào.

Thời gian qua, nhằm đảm bảo triển khai thực hiện nghiêm túc công tác bồi thường, GPMB, Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư tỉnh và một số đơn vị thực hiện chuyên trách phục vụ nhiệm vụ này. Đến nay, 9/9 huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư; 7/9 huyện, thành phố thành lập được trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện; 100% các dự án liên quan đều thành lập hội đồng bồi thường, tái định cư với thành phần nòng cốt là Ban dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, địa phương có liên quan. Từ cấp tỉnh đến 9/9 huyện, thành phố và 178/178 xã, phường, thị trấn, đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều tham gia; 100% các huyện, thành phố đều thành lập tổ công tác giải quyết các “điểm nóng” gắn với hoạt động của tổ dân vận tại cơ sở.

Luôn chủ động theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của tỉnh cũng đã kịp thời đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân theo luật định.

6 năm qua (2016-2022), người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân được trên 1.600 cuộc, với hơn 82.000 lượt người tham gia. Qua các buổi đối thoại, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết thoả đáng, đúng pháp luật những vướng mắc, góp phần tăng sự đồng thuận của người dân, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án.

Có thể nói, công tác dân vận khéo đã được các cấp ngành triển khai bài bản, giúp công tác GPMB của toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Thông tin từ Ban Dân vận Tỉnh uỷ: Thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai công tác GPMB đối với 9 tổ chức, 38.230 hộ gia đình, cá nhân; trong đó bố trí tái định cư 3.603/4.263 hộ, đạt 84,5%; số tiền đã chi trả cho người có đất bị thu hồi là gần 7.200 tỷ đồng; số diện tích đất trong diện thu hồi hơn 4.247ha…

Toàn tỉnh hiện có 2.254 tổ dân vận và 2.157 mô hình "Dân vận khéo" tích cực tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, của cán bộ công chức, kịp thời phản ánh những bất cập, hạn chế, vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.