Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững

Theo nhandan.vn 11:48, 05/02/2023

Sáng 5/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW.

Bộ trưởng cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng; tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động từ các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành tới các địa phương trong Vùng.

Chương trình hành động của Chính phủ tập trung phát triển các ngành kinh tế biển theo Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển, nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Trong đó, tiểu vùng Trung Trung Bộ có vai trò động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng;

Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển vùng và các tiểu vùng; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Chương trình huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan tỏa, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của Vùng; xây dựng hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu kinh tế-xã hội.

Về mục tiêu, Chương trình hành động của Chính phủ xác định 17 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%.

Thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47-48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm; đạt 11 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%.

Nghị quyết 168 của Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện văn hoá-xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Vùng để phát triển bứt phá, gồm các dự án có tính kết nối vùng: đường cao tốc trục Bắc Nam, đường cao tốc trục ngang kết nối đông -tây, đường bộ ven biển, đường sắt, cảng biển, các dự án nâng cấp, xây mới các cảng hàng không hiện có trong vùng; đồng thời đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể...

Phát biểu ý kiến gợi mở thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chính, là cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Vì vậy, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần xem xét những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tạo phát triển đột phá. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt vấn đề vì sao chưa phát triển, hoặc phát triển nhưng chưa ngang tầm tiềm năng, trong khi 3 trụ cột là có, đó là:

Trước hết, con người miền Trung chịu thương, chịu khó, chịu khổ, ham học, hiếu học, trí tuệ, luôn khát vọng vươn lên.

Thứ hai là yếu tố thiên nhiên: vùng trời, vùng đất, vùng biển, núi rừng “rừng vàng, biển bạc”; 14 tỉnh trong Vùng đều có bờ biển dài, có nhiều sản vật quý, nhiều sản phẩm OCOP đặc sắc... Theo Thủ tướng, các nền văn minh xưa nay đều bắt nguồn từ các dòng sông, cảng biển; các trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa đều là từ các thành phố biển.

Thứ ba, Vùng có truyền thống lịch sử, văn hóa, với nhiều Di sản Văn hóa phi vật thể, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới... được UNESCO công nhận, di sản văn hóa quốc gia; vùng đất giàu truyền thống, đa dạng bản sắc; truyền thống hào hùng, kiên cường, anh hùng trong đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Thủ tướng cũng nêu rõ, thu nhập bình quân đầu người so cả nước còn thấp. Từ đây, chúng ta phải suy nghĩ tại sao chưa phát triển? Cái gì là đột phá để tạo sự phát triển? Nghị quyết của Đảng đã phân tích kỹ vấn đề này. Tuy nhiên, Thủ tướng mong muốn các đại biểu phân tích thêm, làm rõ điểm này. Vấn đề là các địa phương trong Vùng phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn một vài việc để đột phá. Đất nước ta đã chọn 3 đột phá chiến lược để phát triển, do đó Vùng phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhưng phải chọn “đột phá trong đột phá” để phát triển nhanh và bền vững nhất đối với khu vực.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã phát biểu nêu rõ những tiềm năng, cơ hội phát triển, cũng như những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có các cơ chế, chính sách để tận dụng tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung vào phát triển các hạ tầng chiến lược như hệ thống giao thông, các tuyến đường cao tốc, cảng biển, phát huy vai trò kinh tế biển, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng…