Ngày 16-2, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ (Nghị định 99) về đăng ký biện pháp bảo đảm. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có lãnh đạo Sở Tư pháp và một số sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên. |
Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào sổ đăng ký hoặc vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm trong việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình (hoặc của người khác) đối với bên nhận bảo đảm.
Nghị định 99 ra đời thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất khuôn khổ pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật khác liên quan; tháo gỡ những khó khăn, bất cập; thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký…
Nghị định 99 gồm 5 chương, 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2023, trong đó quy định rõ nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; cơ quan đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục chung về đăng ký biện pháp bảo đảm và trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản; quản lý Nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm...
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đã phổ biến một số nội dung mới, cơ bản quy định tại Nghị định 99. Hội nghị cũng nghe nhiều ý kiến tham luận nhằm triển khai hiệu quả một số quy định về đăng ký, thế chấp quyền sử dụng đất; tài sản gắn liền với đất; tác động của Nghị định 99 đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại các tổ chức tín dụng...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin