Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là bản anh hùng ca bất tử về lòng dũng cảm, tình yêu đất nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong bản hùng ca bất tử ấy, những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển được xem là một trong những trang sử hào hùng.
Cán bộ, chiến sĩ tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu) |
Đường Hồ Chí Minh trên biển được tạo nên bởi nhiều yếu tố, nhưng yếu quan trọng nhất là tầm nhìn chiến lược của Đảng. Bởi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhận định, đánh giá đúng tình hình và quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển, mà sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, sáng tạo của Đảng và Quân ủy Trung ương đã tạo tiền đề để đường Hồ Chí Minh trên biển và những cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chủ trương đúng đắn đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, thông tuyến và vận chuyển được vũ khí đến những địa bàn chiến lược, xa hậu phương miền Bắc, vào thời điểm tuyến chi viện Trường Sơn chưa vươn tới. Đó thực sự là kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện của ta lúc đó, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá ác liệt của địch.
Tuyến vận tải chiến lược trên biển hoạt động liên tục trong suốt 14 năm (1961-1975), với hành trình hàng vạn hải lý, bằng nhiều phương án đi và đến, đã góp phần chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Theo đó, các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu gấp rút chuẩn bị lực lượng, tàu, thuyền ra Bắc nhận vũ khí. Từ giữa năm 1961 cho đến giữa năm 1962, 6 chiếc thuyền đột phá ra Bắc chỉ có một chiếc phải quay trở về vì lý do kỹ thuật.
Tháng 4/1962, Quân ủy Trung ương quyết định cử đồng chí Bông Văn Dĩa trở về bằng chính chiếc tàu năm trước anh đã vượt biển ra Bắc. Lần trở về này, tàu anh chưa vận chuyển vũ khí, mà đi với mục đích tiếp tục thăm dò, xây dựng phương án.
Ngày 18/4/1962, tàu vào tới cửa Bồ Đề (thuộc Cà Mau) và tháng 7/1962, đồng chí Bông Văn Dĩa trở ra Bắc trực tiếp báo cáo với Trung ương. Sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tình hình các chuyến đi thăm dò hai chiều Nam - Bắc, Bắc - Nam và chỉ đạo chặt chẽ công tác chuẩn bị tàu, thuyền, xây dựng phương án, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là đồng chí Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã lựa chọn đồng chí Bông Văn Dĩa và chiếc tàu đầu tiên chở vũ khí vào Nam.
Đêm 12/10/1962, chiếc tàu “Phương Đông 1” gồm 10 thủy thủ, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một, chính trị viên Bông Văn Dĩa, chở hơn 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) đi về phương Nam. Sáng 19/10/1962, tàu vào tới Chùm Gọng (Vàm Lũng, Tân An) an toàn. Tàu “Phương Đông 1” đã đi vào lịch sử, chính thức khai thông tuyến vận tải quân sự đường biển.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các con tàu “không số”, của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta...”. |
Để các chuyến hàng như “dòng máu chảy về tim”, Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân chủng Hải quân, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm qua mỗi chuyến đi.
Về phương tiện vận chuyển, lúc đầu chỉ là những chiếc thuyền thô sơ, trọng tải nhỏ, với lộ trình bám dọc bờ biển, rồi nhanh chóng phát triển, có hàng trăm chiếc tàu sắt trọng tải lớn, không những chỉ hoạt động ở vùng biển của ta mà còn vươn ra hải phận quốc tế. Cùng với đó, phương thức vận chuyển cũng được phát triển ngày càng linh hoạt, sáng tạo, đã giúp chúng ta vượt qua những phòng tuyến nghiêm ngặt của kẻ thù, cung cấp kịp thời vũ khí, trang bị cho tuyến lửa miền Nam.
Tính từ chuyến tàu Phương Đông 1 đầu tiên đến chuyến tàu thứ 148 vào bến Vũng Rô (ngày 15/2/1965), với tên gọi “Đoàn tàu không số", con đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển 150.000 tấn vũ khí, trang bị và 80.000 lượt cán bộ vượt biển vào Nam chiến đấu.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của niềm tin tất thắng, con đường tự hào của bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam. Tham gia lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm và vận chuyển trên tuyến đường có 1.375 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân chủng Hải quân, trong đó 104 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 46 đồng chí bị thương.
Tổng số đã có 168 chuyến đi, trong đó có 30 lần chạm trán, chiến đấu với lực lượng của địch; không một tàu nào của ta đầu hàng địch; 11 lần chúng ta phải phá hủy tàu, tổn thất về hàng khoảng 7%, có nghĩa là 93% tới đích. |
Quyết định mở đường vận tải chi viện chiến trường bằng đường biển thể hiện sự chỉ đạo sát sao và tầm tư duy chiến lược tài tình của Ðảng ta. Ðó vừa là sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đồng thời là sự sáng tạo độc đáo của giá trị nghệ thuật quân sự trong bối cảnh khó khăn, gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đáp ứng yêu cầu cấp bách, có tính sống còn về vũ khí, đạn dược để đánh giặc của phong trào cách mạng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong khi vận tải đường Trường Sơn chưa có khả năng vươn tới được.
Tài thao lược của Đảng còn thể hiện ở việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ; quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc với những hình thức hoạt động sáng tạo. Đảng và Quân đội ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin