Giữ “lửa thiêng” Quảng Trị

Quốc Tuân 14:56, 29/04/2023

Quảng Trị - “Vùng đất lửa” - nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nơi biết bao người con đất Việt đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng tên đất, tên người Quảng Trị đã đi vào sử sách vang dội cùng non sông, đất nước. Nơi mảnh đất này, “ngọn lửa thiêng” vẫn được gìn giữ, tỏa sáng, tô thắm thêm truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn, đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).
Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn, đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị).

“Miền đất lửa” Quảng Trị những ngày tháng 4 lịch sử rợp bóng cờ hoa, tấp nập người muôn phương về tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Những di tích: Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… vẫn là địa điểm được nhiều người tìm tới nhằm ôn lại một thời hào hùng của dân tộc, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi”

Hòa cùng dòng người tấp nập, chúng tôi về dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, đi giữa một màu cỏ non thành cổ, chợt nhớ câu thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”

Đoàn công tác của Báo Thái Nguyên và báo Đảng trên cả nước dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn công tác của Báo Thái Nguyên và báo Đảng trên cả nước dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Chiến tranh đã đi qua nhưng những dư âm của nó vẫn còn mãi đến bây giờ. Đâu đó dưới đáy sông Thạch Hãn, hay dưới những thảm cỏ xanh thành cổ là máu xương của hàng ngàn chiến sĩ trên khắp cả nước. Chỉ riêng trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản).

Đoàn công tác của các báo Đảng trên cả nước dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn công tác của các báo Đảng trên cả nước dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích Thành cổ Quảng Trị.

Chị Trần Thị Phương Lan, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị, chia sẻ: Sự kiện lịch sử Thành cổ Quảng Trị với 81 ngày đêm mùa hè lịch sử năm 1972 mãi mãi là một bản Anh hùng ca tuyệt vời về những con người "lấy gan vàng chọi với sắt thép" để làm nên một tượng đài sừng sững về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh của Tổ quốc. Nơi đây mãi là cội nguồn, là địa chỉ đỏ cho những cuộc hành hương về miền lịch sử, cho những ai muốn chiêm nghiệm về sự sống, sự hy sinh bất tử...

Đài tưởng niệm trung tâm Di tích Thành cổ Quảng Trị là mô hình hóa nấm mồ chung của hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào cả nước mãi mãi yên nghỉ nơi đây.
Đài tưởng niệm trung tâm Di tích Thành cổ Quảng Trị là mô hình hóa nấm mồ chung của hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào cả nước mãi mãi yên nghỉ nơi đây.

Đến tận bây giờ vẫn chưa có một số liệu đầy đủ và chính xác là có bao nhiêu liệt sĩ mãi mãi yên nghỉ ở mảnh đất này. Và giờ đây, Di tích Thành cổ Quảng Trị được ví như một nghĩa trang liệt sĩ không có nấm mồ, chỉ có đài tưởng niệm trung tâm là mô hình hóa nấm mồ chung của hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào cả nước mãi mãi yên nghỉ nơi đây.

Tìm về thắp nén nhang thơm, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bình, ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, xúc động nói: Chúng tôi là thế hệ đi sau nhưng cũng vinh dự được khoác màu áo lính. Đến viếng các anh, các chị, tôi rất xúc động, chỉ biết nhắc lòng mình nguyện phấn đấu, noi gương sáng Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với công ơn của các bậc tiền nhân...

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ”

Dòng sông linh thiêng Thạch Hãn - nơi hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh.
Dòng sông linh thiêng Thạch Hãn - nơi hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh.

Hòa chung với khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị là dòng sông Thạch Hãn - cách thành cổ 500m về phía Tây. Nơi đây, trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm lịch sử năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ của chúng ta đã vĩnh viễn yên nghỉ. Ai đến nơi đây cũng như văng vẳng bên tai lời thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.”

Lễ thả đèn hoa đăng - thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn để sưởi ấm những linh hồn liệt sĩ hy sinh nơi con sông linh thiêng này.
Lễ thả đèn hoa đăng - thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn để sưởi ấm những linh hồn liệt sĩ hy sinh nơi con sông linh thiêng này.

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, cứ mỗi dịp 30-4, 27-7, 22-12, lễ, Tết, các ngày rằm, mùng một hằng tháng, tại Quảng Trị có tổ chức lễ thả đèn hoa đăng - thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn để sưởi ấm những linh hồn liệt sĩ đã hy sinh nơi con sông linh thiêng này. Để các anh biết rằng, cả dân tộc luôn nhớ đến các anh - những người con đất Việt đã xả thân vì sự trường tồn của Tổ quốc, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Hiền Lương - biểu tượng khát vọng thống nhất non sông

Nơi đất thiêng Quảng Trị còn có một dòng sông, cây cầu đã đi vào lịch sử - đó là sông Bến Hải, cầu Hiền Lương - biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông trong suốt 20 năm trường.

Cầu Hiền Lương được phục dựng, phục vụ khách đến tham quan, ôn lại thời kỳ hoa lửa.
Cầu Hiền Lương được phục dựng, phục vụ khách đến tham quan, ôn lại thời kỳ hoa lửa.

Năm 1954, cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời theo Hiệp định Genève. Theo Hiệp định, khu phi quân sự được lập ra dưới sự giám sát quốc tế, hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào 2 năm sau đó. Thế nhưng, với ý đồ chia cắt Việt Nam lâu dài, chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã kiên quyết từ chối tổng tuyển cử và biến vĩ tuyến 17 thành “biên giới quốc gia”, đồng thời khiến Hiền Lương trở thành cây cầu chia cắt đôi bờ suốt 20 năm.

Cụm loa một thời của các cuộc chiến âm thanh giữa quân và dân ta với chính quyền Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cụm loa một thời của các cuộc chiến âm thanh giữa quân và dân ta với chính quyền Việt Nam Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Trong suốt nhiều năm ròng, nơi đây đã chứng kiến cuộc chiến cam go về màu sơn cầu Hiền Lương - cứ hễ chính quyền Việt Nam Cộng hòa sơn nửa cầu màu gì là ta sơn nửa còn lại màu đó - nhằm thể hiện sự thống nhất đất nước một nhà. Nơi đây còn diễn ra các cuộc chiến âm thanh, đấu cờ không khoan nhượng của quân và dân ta.

Giờ đây, bên dòng sông Bến Hải hiền hòa, cách không xa cây cầu Hiền Lương lịch sử là Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Cầu Hiền Lương cũ đã được phục dựng, trở thành địa điểm để các thế hệ người dân Việt Nam trở về ôn lại một thời lịch sử hào hùng.

Ngay sát cầu Hiền Lương cũ, cầu Hiền Lương mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép, phục vụ đi lại, giao thương của người dân.
Ngay sát cầu Hiền Lương cũ, cầu Hiền Lương mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép, phục vụ đi lại, giao thương của người dân.

Chị Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cho biết: Nhân chuẩn bị kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Trường chúng tôi tổ chức cho học sinh đi tham quan Di tích lịch sử quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.

Đứng cạnh đó, em Phan Ngọc Hải, lớp 5C, Trường Tiểu học Vĩnh Thái, bày tỏ niềm vui khi được đến Di tích: Em cảm thấy đây là cơ hội quý để chúng em học tập lịch sử và thấu hiểu hơn về nỗi vất vả, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước cho chúng em được hưởng nền độc lập, hòa bình ngày hôm nay...

Triệu trái tim “giữ lửa”

Thời gian có thể dần che lấp vết tích chiến tranh, nhưng những giá trị lịch sử, tinh thần, lòng tự hào dân tộc vẫn còn mãi. Nơi mảnh đất Quảng Trị Anh hùng, hơn 500 di tích lịch sử đang được phát huy giá trị và toàn bộ hơn 70 nghĩa trang liệt sĩ luôn đỏ ánh nhang thơm.

Nhiều cựu chiến binh đi từng ngôi mộ, đặt tay lên từng nét chữ khắc ghi để các anh, các chị yên nghỉ nơi chín suối cảm thấy bớt cô quạnh.
Nhiều cựu chiến binh đi từng ngôi mộ, đặt tay lên từng nét chữ khắc ghi để các anh, các chị yên nghỉ nơi chín suối cảm thấy bớt cô quạnh.

Đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: Chúng tôi xác định thế hệ đi trước đã đổ rất nhiều máu để có được hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc thì việc bảo vệ thành quả là nhiệm vụ của tất cả các thế hệ hôm nay và mai sau. Tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động để chăm lo, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, đồng thời thúc đẩy, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực phát triển. Hằng năm, hàng triệu du khách đến với Quảng Trị, đây là những “trái tim” nóng, góp phần giữ nhang thơm luôn đỏ lửa tri ân các Anh hùng liệt sĩ... 


Một góc TP. Đông Hà (Quảng Trị).
Một góc TP. Đông Hà (Quảng Trị) hôm nay.

Truyền thống lịch sử hào hùng đã hun đúc nên tinh thần quật khởi của vùng đất nắng lửa. Quảng Trị hôm nay, sau hơn 50 năm giải phóng, đã giành được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP của tỉnh đạt 7%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 62,8 triệu đồng; dự kiến năm 2023 đạt 69,4 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 đạt hơn 14,4 nghìn tỷ đồng… Quảng Trị đang mang trong mình sức sống mới, sức sống của một vùng đất “rực lửa” phát triển phồn vinh.