Những dự báo, quyết định sáng suốt của Hồ Chủ tịch

Lê Văn Thiện 11:55, 29/04/2023

Những ngày này, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc vào Nam đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi lần nhắc đến Ngày giải phóng miền Nam, chúng ta lại nhớ đến công ơn trời biển của Đảng, Bác Hồ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu lên những quyết định tâm huyết của Bác Hồ về vấn đề thống nhất đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, chính quyền của ta còn non trẻ, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh (vào giải giáp phát xít Nhật) đã đánh chiếm Sài Gòn, sau đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ, hòng tách Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam.

Bác Hồ đã viết thư gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư Người khẳng định: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi".

Tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về (ngày 23/10/1946), Người nói một cách tha thiết: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam Bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc".

Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), trong những lời kêu gọi, bức thư, bức điện… gửi nhân dân trong nước, nước ngoài, các chính khách, Bác thường nói về vấn đề giành độc lập và thống nhất đất nước: "…Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ là công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến và hòa bình, trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc… Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó". (Trích thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp ngày 7/1/1947).

Hay trong Thư chúc Tết, đề ngày 1/1/1953, Người cũng nhắc đến vấn đề thống nhất đất nước đi liền với giành độc lập:

"… Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi

Độc lập, thống nhất, nhất định thành công"

Sau Hiệp định Genève (1954), một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam được mở ra: Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Về công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, từ tháng 7/1954, ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ: "Đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí".

Chính phủ ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève, đã nhiều lần đề nghị với chính quyền miền Nam mở hội nghị hiệp thương để bàn về tổng tuyển cử tự do nhằm thống nhất nước nhà, nhưng đế quốc Mỹ và chính quyền thân Mỹ ở miền Nam âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc như quy định của Hiệp định Genève.

Trước tình hình đó, Bác Hồ đã khẳng định: "…Nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là kiên quyết tiếp tục đấu tranh thi hành Hiệp định Genève, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc". (Trích thư gửi đồng bào cả nước, ngày 6/7/1956).

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch, ngày 15-11-1965. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đoàn đại biểu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch, ngày 15/11/1965. (Ảnh tư liệu)

Trong nhiều bài viết, bức thư gửi đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước Việt Nam là một, từ Nam chí Bắc chung một tiếng nói, một lịch sử, một nền văn hóa và một nền kinh tế. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều xương máu đấu tranh cho tự do, độc lập, kiên quyết không để một lực lượng nào ngăn cản được sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của mình"; "nguyện vọng thiết tha và ý chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình, đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam"

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), cách mạng miền Nam có nhiều chuyển biến, từ khởi nghĩa từng phần chuyển lên thành chiến tranh cách mạng. "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ bị thất bại. Mỹ đưa quân vào miền Nam, thực hiện "Chiến tranh cục bộ" và tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dù Mỹ có đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng". Người kêu gọi: "Lúc này chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước".

Tại Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập năm 1964, Người kêu gọi đồng bào miền Bắc: "Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt".

Người đã thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta khẳng định quyết tâm chiến lược trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng với kết quả đấu tranh của nhân dân hai miền Nam - Bắc, lại được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ Mỹ và thế giới, đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề, buộc phải xuống thang chiến tranh, cam kết ngừng ném bom miền Bắc. Từ tháng 5/1968, đế quốc Mỹ phải ngồi vào thương lượng với ta tại Hội nghị Paris để bàn về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Trong thư chúc mừng năm mới (ngày 1/1/1969) của Bác, có đoạn viết:

"Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"

Lời chúc mừng đó tuy ngắn gọn nhưng đã chỉ cho chúng ta mục đích và phương châm chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phương châm đó vạch cho chúng ta phương hướng thắng lợi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Hiệp định Paris được ký kết buộc Mỹ phải đơn phương rút quân về nước (Mỹ cút), giữ nguyên tại chỗ lực lượng quân sự của ta, so sánh lực lượng địch và ta thay đổi, ta tiến lên giành đại thắng vào mùa Xuân năm 1975 (ngụy nhào), kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta không còn để chứng kiến ngày thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng những lời giáo huấn, dạy bảo của Người đã được Đảng và nhân dân ta thực hiện, góp phần mang lại chiến thắng vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.