Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 9/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe trình bày các báo cáo: Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, chủ trì tổ thảo luận. |
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên làm việc tại tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chủ trì tổ thảo luận.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận tổ, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh đã tổ chức trên 2.900 hội nghị, hội thảo, nhận được trên 32 nghìn lượt ý kiến, góp ý tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải đề nghị các ĐBQH trong tổ tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về một số nhóm nội dung trọng tâm, như: Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, của công dân đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai và giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai, nguyên tắc áp dụng pháp luật và sự bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai với các dự án luật có liên quan…
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) đánh giá cao tính cầu thị và sự công phu của Ban soạn thảo trong quá trình tiếp thu các ý kiến, góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm tính cập nhật, phù hợp với giá thị trường.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đề nghị cần nghiên cứu, thiết kế lại Điều 159 của dự thảo Luật để bảo đảm không chồng chéo, không làm phức tạp quy trình ban hành bảng giá đất. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung các trường hợp cần xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định giá đất cụ thể; bảo đảm vừa tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, vừa có sự kiểm soát từ các cơ quan Trung ương.
Về quyền sử dụng đối với thửa đất liền kề, đại biểu Đoàn Thị Hảo cho biết, trong quá trình thu hồi đất để thực hiện các dự án liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh nhiều trường hợp nằm ngoài chỉ giới của dự án, không thuộc đối tượng thu hồi đất, nhưng có diện tích đất liền kề và chịu ảnh hưởng từ việc thực hiện dự án.
Đại biểu cũng nêu thực tế về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, đền bù thiệt hại đối với các trường hợp bị ảnh hưởng trong quá trình thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới) và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3 cũ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định đối với các nội dung trên để bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đóng góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể, như: Bổ sung quy định giao đất phi nông nghiệp cho cộng đồng dân cư; bổ sung quy định về trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với đất khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; làm rõ trường hợp “sử dụng đất thương mại, dịch vụ” tại điểm a khoản 1 Điều 157; rà soát, cụ thể hóa một số nguyên tắc định giá đất ngay trong dự thảo Luật…
Tham gia thảo luận, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị bổ sung vào khoản 6 Điều 234 của dự thảo Luật nội dung quy định về thời hạn cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án nhân dân yêu cầu để làm căn cứ khi giải quyết tranh chấp; đồng thời quy định chế tài xử lý trong trường hợp UBND các cấp không cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của Tòa án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin