Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 26/10 Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe và thảo luận Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận một số dự án Luật.
Chiều 25/10, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. |
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng ngày 25/20, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Trong quá trình thảo luận, đã có 17 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, 5 lượt đại biểu phát biểu tranh luận, trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nội dung dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; tên gọi của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước; trách nhiệm của Cơ quan quản lý căn cước; trung tâm dữ liệu quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, các đại biểu tập trung thảo luận về: thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
Liên quan đến thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, các đại biểu tập trung thảo luận về: Tên gọi của thẻ căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; người được cấp thẻ căn cước; các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; thu hồi, giữ thẻ căn cước; khóa, mở khóa căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên họp buổi chiều 25/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe: Trưởng Ban Kiểm phiếu Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả kiểm phiếu; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: Có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.55 % tổng số ĐBQH), trong đó có 470 đại biểu tán thành (bằng 95,14 % tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số ĐBQH).
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 11 đại biểu phát biểu. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: Chính sách của Nhà nước về viễn thông; trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông; bảo đảm bí mật thông tin; quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông; từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông; hình thức cấp giấy phép viễn thông; đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông; quỹ dịch vụ viễn thông công ích; việc phân bổ, cấp, đăng ký, sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet; dịch vụ chuyển mạng giữ số; cấp giấy phép viễn thông; thu hồi, tháo dỡ các công trình viễn thông khi không còn sử dụng; gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông; cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet; cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây; thông tin khẩn cấp phục vụ quốc phòng, an ninh; việc thiết lập và hoạt động của mạng viễn thông dùng riêng phục vụ quốc phòng, an ninh; bảo đảm bí mật thông tin; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; điều kiện về viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; điều kiện cấp giấy phép nghiệp vụ viễn thông; thẩm quyền cấp giấy giấy phép viễn thông; đất sử dụng cho công trình viễn thông; thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông; bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông; quy định chuyển tiếp.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin