Phủ Lý nơi Bác về thăm

Thu Nga 11:43, 22/11/2023

Có một vùng quê yên bình, nơi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, đó là xã Phủ Lý (Phú Lương). Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào các dân tộc xã Phủ Lý. Trải qua hơn 60 năm kể từ ngày được đón Bác, giờ đây mảnh đất này đã có nhiều khởi sắc.

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với thầy và trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, ở xã Phủ Lý (Phú Lương). Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ về thăm, nói chuyện với thầy và trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, ở xã Phủ Lý (Phú Lương). Ảnh: Tư liệu

Cùng với anh Trần Quốc Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phủ Lý, chúng tôi đi qua cầu treo Đồng Cháy để đến Nhà bia tưởng niệm nơi Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa. Ngược dòng thời gian, năm 1960, ngôi trường này được thành lập tại khu vực xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý, với nhiệm vụ đào tạo văn hóa và kiến thức khoa học kỹ thuật cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Ông La Viết Hồng, 60 năm tuổi Đảng, ở xóm Na Dau, xã Phủ Lý, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, nguyên là học sinh khóa đầu tiên, nguyên Bí thư Đoàn Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa và là người vinh dự được gặp Bác Hồ. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những hình ảnh và lời cặn dặn của Bác năm xưa.

Ông Hồng kể lại: Sau khi hỏi thăm tình hình, Bác đã căn dặn ngoài việc học văn hóa thì các cháu học sinh của Trường cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp; các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt. Người nói chuyện với nhân dân xã Phủ Lý về tình hình sản xuất, cán bộ, xã viên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết giúp nhau như anh em một nhà, mọi người cần khắc phục khó khăn để xây dựng, củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, làm cho cuộc sống ngày một ấm no...

Thực hiện lời căn dặn của Bác, những năm qua, xã Phủ Lý đã nỗ lực khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. 

Anh Trần Quốc Bình, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, cho biết: Với địa hình có nhiều đồi núi cao bao bọc, trũng ở trung tâm, xã Phủ Lý có nhiều tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp. Xã hiện có 2/3 diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp, 400ha đất trồng lúa và hoa màu; trên 90% số hộ sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đó, xã vận động bà con nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ đất vườn, đồi tạp chuyển sang trồng keo và rừng gỗ lớn.

Đến nay trong xã có trên 750 hộ trồng rừng, với tổng diện tích trên 900ha; có 12 cơ sở chế biến lâm sản và trên 70 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Các thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa nếp Vải Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: T.L
Các thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa nếp Vải Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: T.L

Bà con tích cực gieo cấy các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt là lúa nếp Vải. Từ đó đã hình thành được cánh đồng lúa nếp Vải tập trung tại các xóm Hiệp Hòa, Khuân Rây, Na Mọn, với tổng diện tích 40ha. Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, bảo đảm an toàn sinh học, cả xã đã có hơn 30 trang trại nuôi lợn, gà với quy mô lớn, vừa và nhỏ. Có thể kể đến các trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn (trên 1.000 con) của gia đình anh Trần Bảo Long, xóm Đồng Rôm; chị Đỗ Thị Hải, xóm Na Dau...

Chị Đỗ Thị Hương, ở xóm Đồng Rôm, là chủ một trang trại nuôi gà thương phẩm quy mô 8.000 con, cho biết: Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi lứa gà thương phẩm, gia đình tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng. Từ chăn nuôi con gà, con lợn, người dân chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, có "của ăn của để".

Kinh tế ổn định, người dân Phủ Lý phát huy tinh thần đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa. Xã hiện có 857 hộ dân với 3.400 nhân khẩu, 8 dân tộc anh em cùng chung sống (trong đó dân tộc Tày chiếm trên 75%); tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 95%. Hiện nay, thu nhập bình quân của bà con đạt gần 40 triệu đồng/người/năm; không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,2%...

Địa điểm nơi Bác về thăm giờ đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho các hoạt động giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cho thế hệ trẻ của xã. Từ lời căn dặn của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phủ Lý lấy đó làm "kim chỉ nam" để nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2022.