Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hóa, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng. Cái gì trở thành văn hóa, cái đó trở nên sâu sắc, lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi gặp mặt các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023, diễn ra ngày 2/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN) |
Cùng dự với 67 đại biểu là điển hình tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trên mọi miền Tổ quốc, có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương.
Phát biểu tại buổi gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong 5 năm gần đây, hằng năm Ban Tuyên giáo Trung ương đều phát động phong trào thi đua và tổ chức bình chọn, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu được vinh danh và khen thưởng năm 2023 có mặt hôm nay đều là những bông hoa đẹp trong vườn hoa tươi đẹp, ngạt ngào hương sắc của dân tộc Việt Nam anh hùng, Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và cảm ơn các đồng chí về sự cống hiến hết mình và niềm vinh dự, tự hào, hạnh phúc đó.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TTXVN) |
Tổng Bí thư nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta một di sản vô cùng cao quý, đó là: tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới,...
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư cho rằng, đất nước, dân tộc Việt Nam, trong đó, có hơn 5 triệu đảng viên tự hào và hạnh phúc, bởi có Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối cho chúng ta đi trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Người đã truyền cảm hứng vĩ đại của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh, đem lại cho mỗi chúng ta một niềm tin tất thắng, một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững; xây dựng thành công nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Độc lập-Tự do-Hạnh phúc; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh gần 20 năm nay, kể từ năm 2006, Đảng ta đã có chủ trương mở cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Bác. Học tập và làm theo gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một chủ trương chiến lược, cơ bản, lâu dài để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở nên đúng đắn, lành mạnh hơn trong nhận thức và hành động; ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, có dũng khí đấu tranh, tự phê bình, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; góp phần trực tiếp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; nâng cao trách nhiệm vì dân, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, để Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh"; Nhà nước ta thật sự là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân"; để Mặt trận và các đoàn thể thật sự là môi trường dân chủ, đoàn kết và dân vận, làm hậu thuẫn thúc đẩy nhân dân nêu cao vai trò làm chủ, thực hiện quyền dân chủ và làm chủ đích thực của mình. Đó là mục đích sâu xa, là ý nghĩa quan trọng ở tầm chiến lược của việc học tập và làm theo Bác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với các đại biểu dự buổi gặp mặt. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Tổng Bí thư, việc học tập và làm theo Bác cần luôn luôn được đổi mới để trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi người và toàn xã hội; một nhu cầu văn hoá đầy tính nhân văn, sáng tạo về cách thức tổ chức giáo dục, tuyên truyền, đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn, truyền cảm hứng cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, đoàn thể, mỗi cơ quan, đơn vị, ở tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương và cơ sở; từ trong nước đến ngoài nước, trong đó có cả cộng đồng người Việt Nam đang học tập, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.
Vì những lẽ đó, đã từ nhiều năm nay, chúng ta luôn luôn ý thức rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tinh thần bền bỉ, là nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Vượt lên quy mô một cuộc vận động những năm 2006, đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hóa, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng. Cái gì trở thành văn hóa, cái đó trở nên sâu sắc, lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Nhận thức đúng, hành động sáng tạo, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ truyền dẫn nguồn xung lực quan trọng để chúng ta xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo động lực cho chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sáng tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nắm bắt thời cơ, vận hội mới, vượt qua mọi thách thức, nguy cơ để xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. |
Tổng Bí thư mong đợi và tin tưởng rằng, các tập thể và cá nhân có vinh dự lớn được tôn vinh năm nay sẽ tiếp tục phấn đấu, học hỏi và rèn luyện thường xuyên; giữ gìn và phát huy danh hiệu cao quý được tôn vinh, lan tỏa tác dụng và ảnh hưởng nêu gương trong xã hội.
Với việc tuyên dương và khen thưởng hôm nay, phong trào thi đua yêu nước của chúng ta sẽ ngày càng phát triển sâu rộng; lực lượng của chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh, ngày càng có thêm nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu từ tập thể đến cá nhân cả nước trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo ra một sức bật mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phát triển đất nước ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.
Báo cáo với Tổng Bí thư về hoạt động tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; xây dựng phim, xuất bản sách tuyên truyền về các điển hình; tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học-nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,...
Điểm nổi bật trong các hoạt động này là Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”. Chương trình với ý nghĩa xuyên suốt là sự tiếp nối từ hành trình cứu nước, giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân của Bác kính yêu đến hành trình của những người Việt Nam ưu tú học và làm theo Bác, cống hiến hy sinh vì độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 5 chương trình, tôn vinh 170 đại biểu điển hình tiêu biểu trong hàng nghìn tấm gương học và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên cả nước.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, các đại biểu được tôn vinh trong Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” năm 2023, gồm 67 điển hình là các tập thể, cá nhân tiêu biểu và đại diện cho các mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội,... Họ là cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, các thầy cô giáo, cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc, công nhân, nông dân và ngay cả những tấm gương bình dị mà cao quý giữa đời thường từ mọi miền Tổ quốc, từ đồng bằng đến miền núi, từ đất liền đến biên cương hải đảo,… có nhiều ý tưởng sáng tạo, cách làm đổi mới trong thi đua học tập và làm theo Bác, đem lại hiệu quả thiết thực được nhân rộng và được nhân dân đón nhận,…
Tại buổi gặp, các đại biểu đại diện cho các lĩnh vực công tác, các vùng miền đã báo cáo với Tổng Bí thư những việc làm cụ thể, thiết thực có sức lan tỏa cao trong xã hội. Nghệ nhân tạc tượng Nguyễn Trọng Hà (Nghệ An) bày tỏ, học và làm theo Bác không phải một, hai năm mà là suốt đời. Ông đã sưu tầm được 79 chữ ký của Bác Hồ; tạc nhiều bức tượng Bác Hồ và các Anh hùng của dân tộc; đóng góp tiền xây dựng nông thôn mới.
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba (Thừa Thiên-Huế) có nhiều đóng góp trong việc phát triển đảng viên mới là những người kinh doanh. Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) có chương trình vì môi trường mạng bình yên.
Ông Nguyễn Thế Quang Vinh (Đồng Tháp) thành công trong việc đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sưởi ấm tình người (Vĩnh Phúc) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vượt lên số phận và giúp đỡ nhiều người khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Hòa, Hội văn học-nghệ thuật Ninh Thuận; vận động viên thể thao Hoàng Thị Ánh Phục (Bình Thuận) có nhiều nỗ lực vươn lên trong học tập và công tác...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin