Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử. |
Sáng 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể và toàn văn luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, với 423/468 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 85,63%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, theo khoản 4, Điều 80 về hình thức phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được giao quyết định giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn, bên cạnh việc được quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở xã hội theo thẩm quyền.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khoản 4 Điều 80), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành Phương án 1 quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê. Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư dự án nhà ở xã hội mẫu, điển hình. Ý kiến khác cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm, hạn chế, do đó đề nghị lấy phiếu đối với từng phương án.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức công đoàn.
Phương án này đã có sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội; đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội sau Kỳ họp thứ 5, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực thi hành cao, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn thí điểm trước đây theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do chưa được luật quy định.
Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội - Ngôi nhà xanh tại phường Tích Lương (TP. Thái Nguyên) do Công ty CP Đầu tư Bình Minh Phát làm chủ đầu tư. |
Thêm đối tượng được thuê nhà ở công vụ
Về đối tượng được thuê nhà ở công vụ (Điều 45), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 45 đối tượng được thuê nhà ở công vụ là: Người làm công tác cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu không phụ thuộc vào địa bàn công tác; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn cung nhà ở công vụ, sau này, khi điều kiện cho phép sẽ xem xét, tiếp tục mở rộng thêm nữa.
Theo đó, việc tiếp thu, chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 45 như dự thảo luật là phù hợp; đồng thời, để bảo đảm bao quát, linh hoạt giải quyết các trường hợp đặc thù có thể phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý điểm g khoản 1 Điều 45 của dự thảo luật như sau: “g) Căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Lý do mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ đã được nêu trong Báo cáo đầy đủ tiếp thu, giải trình.
So với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5 đã bổ sung đối tượng “hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” được thuê nhà ở công vụ. Dự thảo Luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại phiên thảo luận hội trường ngày 26/10/2023 đã mở rộng thêm đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ.
Theo đó, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.
Đồng thời, do Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trong khi Luật Nhà ở đã bổ sung dự án nhà lưu trú công nhân, để tránh cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung khoản 3 Điều 95 của dự thảo luật về việc “3. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư…”.
Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại Báo cáo số 642/BC-CP ngày 16/11/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật để tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; tránh gây xung đột với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư.
Việc tập trung đầu tư, tạo thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ngoài khu công nghiệp, đồng thời đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như quy định của dự thảo luật và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là phù hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị.
Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin