Người thầy luôn “tự thi đua với lòng mình”

Thảo Nguyên 13:18, 26/11/2023

“Công tác giáo dục luôn giữ vai trò quan trọng. Muốn đào tạo được những thế hệ học trò có trí tuệ, đạo đức, có sức khỏe tốt và nhiều hoài bão đẹp thì chính những người thầy phải đổi mới tư duy. Mỗi nhà quản lý giáo dục phải sáng tạo hơn nữa, mạnh dạn đổi mới trong công tác quản lý; mỗi thầy, cô giáo phải có nhiều giờ dạy hay hơn nữa, để mỗi giờ lên lớp là một giờ tự thi đua với lòng mình…” - Đó là chia sẻ của thầy giáo Trịnh Đức Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Độc Lập, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên).

Thầy giáo – Nhà giáo Ưu tú Trịnh Đức Thảo và học sinh tại một buổi sinh hoạt chuyên đề tiếng Anh.
Thầy giáo – Nhà giáo Ưu tú Trịnh Đức Thảo và học sinh tại một buổi sinh hoạt chuyên đề tiếng Anh.

Thủ khoa trở về mái trường xưa...

Trẻ trung, tự tin, nói chuyện có duyên - Đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với thầy giáo Trịnh Đức Thảo. Thầy khiêm tốn khi được hỏi về thành tích, nhưng khi biết lý do cuộc phỏng vấn, thầy lại vui vẻ và thoải mái.

Thầy Thảo bảo: Nếu những việc làm của tôi, kinh nghiệm giảng dạy cũng như những điều tôi tâm huyết có sức lan tỏa đến một ai đó, tức là tôi đã gián tiếp làm được một việc có ích phải không?

Và buổi trò chuyện giữa chúng tôi với thầy trở nên gần gũi, thân thiện như những người bạn lâu ngày gặp lại.

Ngay từ ngày còn nhỏ, cậu bé Trịnh Đức Thảo đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo, chứ không phải “nghề đã chọn thầy”. Để “biến” mơ ước đó trở thành hiện thực, cậu bé Thảo đã nỗ lực không ngừng qua các cấp học và năm 1995, sinh viên Trịnh Đức Thảo đỗ thủ Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên).

Với tấm bằng xuất sắc, thầy Trịnh Đức Thảo có quyền lựa chọn cho mình môi trường làm việc tốt nhất có thể, nhưng thầy đã bỏ qua nhiều lời mời “đắt giá” để trở về ngôi trường thân yêu - Trường THCS Độc Lập - nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và truyền thụ kiến thức cho thầy những năm tháng tuổi thơ.

Thầy chia sẻ: Có lẽ được trở về ngôi trường tôi đã từng gắn bó, học tập là một trong những điều may mắn nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi là người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Trung Thành, phần nào thấu hiểu môi trường, hoàn cảnh sống, tính cách của những con người nơi đây. Sau một thời gian phấn đấu, trưởng thành, tôi lại được trở về, mang những kiến thức mình đã được học tập, lĩnh hội về truyền thụ lại cho lớp lớp học trò là con em của những người bạn, người anh, người chị… trên mảnh đất quê hương. Tôi thực sự thấy may mắn và hạnh phúc!

Không ngừng nỗ lực

Là một giáo viên, thầy Thảo hiểu muốn có trò giỏi thì thầy cũng phải giỏi. Nên trong suốt quá trình giảng dạy cho đến sau này làm cán bộ quản lý, thầy chưa bao giờ cho phép mình ngừng nỗ lực, ngừng phấn đấu mà luôn tự học, tự rèn.

Nhớ lại ngày được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng, thầy bảo: Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời tôi. Phút giây đó, lòng tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc và tự hào, từng gương mặt các thầy, cô giáo đã dạy dỗ tôi trong suốt những năm tháng qua, từng gương mặt học trò mà tôi đã từng dạy bảo bỗng như một thước phim quay chậm hiện ra trước mắt. Tôi rất trân trọng và biết ơn tất cả những con người đó, đã hỗ trợ, giúp đỡ để tôi có được những thành công.

Mặc dù làm công tác quản lý nhưng thầy vẫn trực tiếp giảng dạy và ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của Trường và thành phố. Với mong muốn lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm tới nhiều đồng nghiệp, hằng năm, thầy Thảo đều tổ chức dậy chuyên đề, thu hút từ 50-60 giáo viên tham dự. Các chuyên đề được thầy lựa chọn đều thiết thực với thực tiễn giảng dạy trong từng giai đoạn, như: Giảng dạy ngữ pháp thông qua giao tiếp; Hướng dẫn học sinh lớp 9 ôn tập thi vào lớp 10; Ứng dụng phần mềm Azota trong kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh…

Học sinh Trường THCS Độc Lập trong một hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường THCS Độc Lập trong một hoạt động ngoại khóa.

Thầy Thảo tâm sự: Là giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh - một môn học luôn gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều học sinh chưa thực sự yêu thích và chưa tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi luôn tìm tòi, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, gần gũi các em, giúp các bậc phụ huynh nhận rõ tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, chuẩn bị hành trang cho tương lai của con. Để nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh và giúp học sinh yêu thích môn học, tôi đã cùng các đồng nghiệp trong Tổ Ngoại ngữ thường xuyên bàn bạc, trao đổi và thực hiện nhiều đề tài, như: “Tổ chức các hoạt động cặp nhóm trong giờ học ngoại ngữ”;  “Khai thác và dạy tốt một giờ đọc hiểu”, “Dạy tốt một giờ giới thiệu ngữ liệu mới”, “Dạy tốt một giờ nói Tiếng Anh lớp 9”...  Tôi cũng cùng các đồng nghiệp tổ chức thành công nhiều chuyên đề ngoại khóa môn Tiếng Anh, như: “Dạ hội ngoại ngữ”, “Trại ngôn ngữ", “Hội thi nói tiếng Anh” và “ Ngày hội sử dụng ngoại ngữ ”. Đặc biệt là có những chuyên đề giao lưu với các chuyên gia nước ngoài, giúp học sinh tự tin và yêu thích môn học hơn.

Thu hái nhiều “trái ngọt”

Qua 27 năm trong nghề dạy học, thầy Thảo đã 5 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh; 15 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; 20 năm đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành… Được bình chọn là cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đội tuyển Tiếng Anh của thành phố tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh do thầy Thảo hướng dẫn và ôn luyện luôn đạt giải cao và đã có rất nhiều học trò thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Nguyên và Trường Chuyên ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội; hàng trăm học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp Quốc gia (199 học sinh giỏi cấp thành phố; 131 học sinh giỏi cấp tỉnh; 14 học sinh giỏi cấp Quốc gia…).

“Theo tôi, điều kiện quan trọng để có được thành công, để được học trò kính trọng là thầy phải vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và thực sự là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Khoa học ngày nay phát triển với tốc độ chóng mặt, nếu chúng ta bằng lòng với những gì mình đã có thì không mấy sẽ lạc hậu, nên người thầy phải luôn tự học, tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là phải thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng vào giảng dạy, quản lý.” - Thầy Thảo chia sẻ .

“Nghề dạy học cần có một cái tâm trong sáng, bởi sản phẩm của người thầy không phải là sắt, là gỗ mà là trái tim và khối óc con người. Người thầy tâm huyết với nghề thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn của cuộc sống đời thường. Đó là cái gốc của lòng nhân ái mà mỗi nhà giáo cần lưu giữ như một tài sản quý báu của người làm nghề dạy học...” - Thầy Trịnh Đức Thảo đã, đang sống và làm việc với tâm niệm như thế!