Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước”. Ảnh: nhandan.vn |
Tham dự Phiên họp tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành. |
Theo Bộ Ngoại giao, từ sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đến nay, công tác đối ngoại và ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc; đồng thời phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam"…
Quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn; nhiều mặt trong ngoại giao kinh tế được đổi mới, sáng tạo hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp.
Đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của ngành Ngoại giao, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả FDI, ODA, khoa học công nghệ, đưa Việt Nam vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với Thái Nguyên, các hoạt động ngoại giao chính quyền, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và đối ngoại nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là kết quả hoạt động kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 10,58 tỷ USD.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về triển vọng kinh tế thế giới, xu thế đầu tư của các nước lớn và tác động đến kinh tế Việt Nam; trao đổi kinh nghiệm tranh thủ các hiệp định thương mại tự do để tăng tốc xuất khẩu; tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như vai trò của ngành Ngoại giao trong kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn khu vực và toàn cầu...
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong làm cơ bản, chiến lược lâu dài và quyết định, với nguồn lực bên ngoài làm quan trọng và đột phá, huy động nguồn lực trong phát triển đất nước; thúc đẩy ngoại giao nhân dân, quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân; thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.
Chính phủ tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế.
Thủ tướng khẳng định, ngoại giao kinh tế kết quả cuối cùng là phải ra được kế hoạch, dự án, sản phẩm, nâng cao được tiềm lực, vị thế của đất nước, đời sống của nhân dân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin