Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong các học viện, các trường chính trị. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, các môn khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, học sinh trong tình hình mới”.
Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các bài giảng thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị, tháng 2-2024. |
Cùng với cả hệ thống chính trị, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, nhất là cán bộ, đảng viên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh chống các quan điểm sai trái, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó chú trọng tích hợp, lồng ghép các bài giảng có nội dung, kỹ năng liên quan đến việc nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời thường xuyên quán triệt, chỉ đạo đội ngũ giảng viên chủ động tích hợp nội dung này ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo với phương pháp, hình thức phù hợp; từ việc xây dựng đề cương, giáo trình, tài liệu học tập đến việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung giảng dạy, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả học tập của mỗi học viên...
Tháng 2-2024 vừa qua, Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các bài giảng thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị. Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Phúc Ái, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, khẳng định: Việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để làm tốt điều này, mỗi giảng viên cần nắm chắc nội hàm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là những nội dung gì, quan điểm sai trái, thù địch gồm những gì và âm mưu, phương thức, thủ đoạn cũng như các vấn đề mà thế lực thù địch chống phá cụ thể ra sao? Trên cơ sở đó xác định nội dung tích hợp chủ yếu ở mỗi môn học và lựa chọn vấn đề tích hợp cho từng bài giảng đảm bảo phù hợp, logic, chặt chẽ; chủ động tìm kiếm thông tin, sự kiện, hình ảnh minh họa sống động, điển hình, chân thực để tăng hiệu quả thuyết phục.
Nhấn mạnh việc thực hiện đúng tôn chỉ “giảng đúng, liên hệ trúng, vận dụng hay”, “nhận rõ sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật”, Ths. Nguyễn Thị Giang, giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Chính trị tỉnh, nêu giải pháp đấu tranh với thủ đoạn xuyên tạc quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam của các thế lực thủ địch: Trước hết cần nhận thức, phân tích nguồn thông tin tiếp cận một cách khách quan, không phiến diện để thấy rõ phương thức, thủ đoạn xuyên tạc của thế lực thù địch và đối tượng chống đối. Từ đó mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc tiếp cận các thông tin, thể hiện quan điểm cá nhân trên không gian mạng, không biến mình thành công cụ lợi dụng cho các mưu đồ chống phá chế độ. Trong các bài giảng về chính trị, giảng viên sẽ định hướng, cung cấp cho học viên những nhận thức mang tính phương pháp luận để nhận diện, đánh giá và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn một cách khách quan và toàn diện.
Trung tâm Chính trị huyện Đại Từ phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho hội viên nông dân. |
Cùng với Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị huyện, thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; cập nhật, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đảng viên và hội viên tại các cơ quan, hội, đoàn thể trên địa bàn. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị được quan tâm. Một số trung tâm chính trị duy trì thường xuyên việc kết hợp trao đổi, thảo luận, thông tin thời sự; các giảng viên, ngoài đảm bảo kiến thức cơ bản đã cập nhật, còn bổ sung thông tin mới làm phong phú nội dung bài giảng, tăng cường hỏi đáp với học viên, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực.
Ông Trần Doãn Khánh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Định Hóa, cho biết: Giảng viên chuyên trách và kiêm nhiệm của Trung tâm đều nắm vững phương pháp, quan tâm nghiên cứu soạn giảng, gắn lý luận và thực tiễn, học đi đôi với hành ngay trong quá trình giảng dạy. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo và yêu cầu đội ngũ giảng viên tăng cường tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với dẫn chứng thực tế.
Có thể thấy, với vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng và lý luận, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị các huyện, thành phố đã tích cực gắn nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với công tác chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy; từ đó tích cực tuyên truyền, lan tỏa nhiệm vụ chính trị quan trọng này cho học viên các hệ lớp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin