Từ ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương, Chính phủ ở, làm việc tại ATK Việt Bắc, Thái Nguyên, trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm. Bác rời Thái Nguyên, rời Thủ đô gió ngàn ngày 12/10/1954 tại căn cứ Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong 9 năm ấy, Bác đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đưa ra nhiều quyết định, chính sách lịch sử, chẳng những lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng mà đã từng bước xây dựng, hoàn thiện Nhà nước công nông non trẻ và chưa có tiền lệ.
Lán ở của Bác Hồ trên đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc) - nơi đầu tiên Người ở, làm việc tại ATK Định Hóa để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ảnh tư liệu |
Đúng như Bác từng nói: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Đó là lời tiên đoán và cũng là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào Việt Bắc vài tháng sau Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Thực hiện chủ trương “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng và Hồ Chủ tịch, nhân dân đã trồng cấy, chăn nuôi, thu hoạch gần 45 vạn tấn lương thực (bình quân 240 kg/người). Các trường học cũng tổ chức khai giảng. Hơn 60.000 nhân dân tản cư được ổn định điều kiện ăn, ở. Riêng căn cứ địa Việt Bắc, giữa năm 1947, chúng ta có 11 trung đoàn, 4 tiểu đoàn độc lập. Đây là nguồn lực rất quan trọng, cùng bộ đội chủ lực đánh bại hơn 2 vạn quân Pháp tiến công lên Việt Bắc tháng 10-1947.
Đến năm 1949, vùng tự do và vùng du kích ở Bắc Bộ bị thu hẹp, các địa bàn chiến lược và đường giao thông bị khống chế, việc thu mua vận chuyển gạo, muối, hàng hóa lên Việt Bắc rất khó khăn. Để phá tan âm mưu của địch, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, tổ chức các đợt tác chiến, nhằm “Tiêu diệt địch, quét những đồn lẻ của chúng, bắt địch thu hẹp địa bàn, đuổi địch ra khỏi Việt Bắc, trước hết là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai...”. Đồng thời thực hiện giảm tô, chia ruộng đất cho dân cày. Nhìn chung, từ thu đông 1947 đến giữa năm 1950, mặc dù trong thế bị địch bao vây, tiến công càn quét ác liệt, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, vùng tự do được giữ vững, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố vững chắc thêm...
Sử sách khắc ghi: Nhân dân ATK Thái Nguyên một lòng hướng theo kháng chiến. Cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc hiểu rõ trách nhiệm của mình, sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở, san sẻ lương thực cho kháng chiến. Hầu như xóm, bản, nhà dân nào ở ATK Thái Nguyên cũng có bộ đội, cán bộ “Ba cùng”.
Cho nên có tới 180 địa danh gắn liền với kháng chiến và ngày nay trở thành những địa chỉ đỏ, những di tích lịch sử cách mạng: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở Khau Tý - Điềm Mặc; Tỉn Keo, Khuôn Tát - Phú Đình (Định Hóa); Tiên Hội, Bản Ngoại (Đại Từ). Bản Nà Mòn (Phú Đình), Phụng Hiển (Điềm Mặc) là nơi làm việc của các cơ quan Trung ương của Đảng và Tổng Bí thư Trường Chinh. Thẩm Khảm, Thẩm Giạc (Phú Đình) là bản doanh của Chính phủ và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Các địa danh: Đồng Chua (Thanh Định), Gốc Hồng (Quy Kỳ), Khẩu Hấu, Khẩu Tràng, Bản Quyên (Điềm Mặc), Đồng Đau (Định Biên), Nà Lọm (Phú Đình… là những địa danh Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo quân sự đóng quân. Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp, các đơn vị bộ đội chủ lực đóng ở Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa…
Trong kiến quốc, khâu tổ chức bộ máy là vô cùng quan trọng. Chính vì thế, rất nhiều cơ quan của Trung ương, bộ, ngành và truyền thông đã ra đời hoặc hoàn thiện tại Thái Nguyên. Nhật ký Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: Chiến khu 10-7-47 “Trong lúc này về phần ta phải xúc tiến công tác chính trị để nâng cao tinh thần dân chúng, để đoàn kết toàn dân càng thêm chặt chẽ. Nêu cao tinh thần tăng gia sản xuất vì kháng chiến còn lâu dài…”.
Trong quá trình kháng chiến, cơ quan Trung ương, Bác Hồ, Chính phủ, Bộ Quốc phòng… di chuyển nhiều lần nhưng thời gian ngắn lại về Định Hóa, Thái Nguyên. Ví dụ Bác ở Tỉn Keo, Khuôn Tát tới 4, 5 lần và các địa danh ấy là nơi phát tích những quyết định hệ trọng, trong đó có Quyết định tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tại Thái Nguyên, ngày 12/5/1997, trong Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Các chính sách và quyết định lớn, có tầm vóc lịch sử của Đảng và chính phủ phần lớn đều quyết định trên đất Định Hóa, như hạ quyết tâm ngăn chặn và tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc (1947); mở Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Sầm Nưa những năm năm 1950; Quyết định phiên chế trong quân đội toàn quốc đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung; quyết định biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta (1949) và Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954…
Đường tới Điện Biên không hề bằng phẳng mà phải đi qua không biết bao nhiêu thử thách, cam go. Để đi đến ngày chiến thắng có sức mạnh đoàn kết dân tộc; có đường lối chiến tranh nhân dân vô cùng hiệu quả, có sự hy sinh xương máu của hàng vạn người con ưu tú của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân Việt Bắc, Thái Nguyên tự hào đã có những đóng góp tích cực cho kháng chiến và tự hào là nơi phát tích Chiến thắng Điện Biên Phủ.
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin