Trong căn phòng nhỏ của Trạm Y tế phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), Trạm trưởng, bác sĩ Đào Thu Hiền hào hứng khi kể về đấng sinh thành - người cha từng có thời gian làm bác sĩ quân y, phục vụ trong Quân đội từ trước khi miền Nam giải phóng cho đến khi đất nước thống nhất. Với chị, người cha ấy chính là tấm gương, tiếp thêm cho chị sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành bác sĩ tận tâm với nghề…
Bác sĩ Đào Thu Hiền luôn chủ động tiếp cận công nghệ thông tin để phục vụ công việc. |
Hạnh phúc lớn của gia đình nhỏ
Chị Hiền sinh vào tháng 1-1975. Khi ấy, cha chị vẫn còn đang ở chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ chữa bệnh cho các thương, bệnh binh. Sinh con gái đầu lòng với bao khó nhọc, gia cảnh thiếu thốn, chồng thì ở xa nhưng mẹ chị vẫn luôn hạnh phúc và mong chiến tranh ở miền Nam nhanh chóng qua đi để gia đình sớm được đoàn tụ. Cô con gái nhỏ chào đời là trái ngọt của tình yêu, là động lực để cặp vợ chồng trẻ tiếp tục vượt qua những ngày sống xa nhau.
Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Hiền cho biết, chị thường được mẹ kể cho nghe những câu chuyện về người cha, về miền Nam ruột thịt. Bà cũng thường nhắc đi, nhắc lại rằng, thời điểm chị được sinh ra, chiến thắng của quân và dân ta đã ở rất gần, niềm mong mỏi đất nước thống nhất đã ở trong “tầm với”.
Tìm hiểu lịch sử của nước nhà, chúng tôi, lớp thế hệ không phải sống trong những năm tháng chiến tranh, không trải qua những tháng ngày “tên rơi đạn lạc”, đã phần nào cảm nhận được sự vui sướng của người mẹ ấy. Không chỉ hạnh phúc khi vừa sinh được cô con gái nhỏ đáng yêu, khỏe mạnh, bà còn có một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của quân và dân ta ở miền Nam - nơi mà chồng bà và các đồng đội đang ngày đêm làm nhiệm vụ.
Khi chị Hiền được hơn 4 tháng tuổi là lúc cả nước hân hoan mừng vui ngày chiến thắng (30/4/1975). Vậy là sau bao tháng năm gian khổ, đất nước Việt Nam hình chữ S đã hoàn toàn chấm dứt chiến tranh, Nam - Bắc về chung một nhà. Và mẹ chị - cô giáo trẻ luôn chuyên tâm cho công việc ở trường, ở lớp; đảm đang khi về với gia đình vô cùng hạnh phúc bởi từ đây Bắc - Nam đã không còn chia cắt nữa, những chuyến về thăm vợ con của người chồng làm bác sĩ quân y sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Chị nói: Sau này, lớn hơn một chút, tôi còn được theo mẹ vào Sài Gòn thăm cha. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in những lần được ngồi tàu hỏa vào miền Nam xa xôi.
Phải 5 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (1980), để gia đình được đoàn tụ, cha chị mới chuyển về Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên công tác cho đến khi nghỉ hưu (năm 2005).
Tự hào cha truyền con nối
Từ khi còn nhỏ, cô bé Hiền đã rất thích được theo ngành Y giống cha. Bởi vậy, ngay khi tốt nghiệp cấp 3, cô gái ấy đã theo học ngành Y sĩ. Năm 2000, y sĩ Hiền bắt đầu tham gia công tác tại Trạm Y tế xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên). Chị cho hay: Khi đó, Trạm Y tế Phúc Xuân vẫn còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị y tế; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe của bản thân… Bởi vậy, công việc của những cán bộ y tế như tôi khá vất vả…
Ngày ấy, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều nhưng chị đã phải trực tiếp khám, chữa các bệnh thông thường như viêm đường hô hấp, viêm phế quản… cho người dân; là bà “đỡ”, giúp nhiều sản phụ vượt cạn thành công. Mỗi lần vào ca trực đêm, chị lo lắng bởi cả Trạm chỉ có mình chị chịu trách nhiệm xử trí các ca bệnh.
Chị cho hay: Người dân nơi đây vì mải mê với công việc nên quên cả bệnh tật. Ban ngày, dù mệt, họ vẫn cố gắng lên đồi chè, đêm về khi cơn sốt lên cao, người nhà mới vội vàng đưa bệnh nhân đến trạm y tế. Những lúc như vậy, tôi luôn dặn mình phải thật bình tĩnh xử trí mọi tình huống.
Cho đến bây giờ, chị Hiền vẫn nhớ như in một ca đỡ đẻ khá “đặc biệt”. Đến ngày dự sinh, sản phụ ra trạm y tế chờ sinh con nhưng mãi không có cơn đau bụng. Vì vậy, cả Trạm đều nghĩ sản phụ chưa thể sinh nên đã giao cho chị Hiền ở lại túc trực. Khi Trạm y tế chỉ còn mình chị thì sản phụ lại lên cơn đau đẻ. Dù rất lo lắng, nhưng chị vẫn hoàn thành nhiệm vụ khi đã giúp sản phụ vượt cạn thành công…
Chị nói: Chính những ngày làm việc đầy vất vả ở Trạm Y tế Phúc Xuân đã giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc. Nhờ đó, tôi luôn chẩn đoán, điều trị chuẩn xác nhiều ca bệnh cũng như có những quyết định để người dân chuyển tuyến kịp thời.
Sau nhiều nỗ lực, năm 2005, chị Hiền đã tham gia thi và trúng tuyển vào lớp bác sĩ chuyên tu tại Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Những kinh nghiệm thực tiễn ở Phúc Xuân, cộng với những kiến thức được trau dồi ở chương trình đại học đã giúp chị như “cá gặp nước’, có thể “chinh chiến” không chỉ ở trạm y tế; cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện mà còn có cơ hội chuyển về công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
Bác sĩ Đào Thu Hiền khám sức khỏe định kỳ cho học sinh trên địa bàn phường Gia Sàng. |
Dù vậy, năm 2009, khi tốt nghiệp, bác sĩ Hiền vẫn lựa chọn tuyến y tế cơ sở để cống hiến nên được điều chuyển về công tác tại Trạm Y tế Gia Sàng. Luôn gần gũi tuyên truyền, vận động người dân thực tốt kế hoạch hóa gia đình, đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, làm tốt công tác điều trị các bệnh không lây nhiễm, lao; từng phải trải qua những ngày “bão” dịch COVID-19 đầy vất vả, nhưng chị vẫn luôn yêu nghề và hết lòng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân… và được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đã 48 mùa Xuân đi qua, mỗi dịp cả nước kỷ niệm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, chị Hiền lại tự hào khi được trải nghiệm những thời khắc thiêng liêng như thế; được là con của một bác sĩ quân y từng vào sinh, ra tử thời đất nước còn chiến tranh, một thương bình giàu nghị lực, yêu nghề. Càng hạnh phúc hơn khi hôm nay, chị và em trai được tiếp bước cha, trở thành những chiến sĩ áo trắng thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin