Trong bộn bề công việc của năm 1946, với cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn dành cho Thái Nguyên những tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc.
Người viết thư cho Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên: “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào… Người tôi tuy xa nhưng lòng tôi luôn gần anh em…”.
Toàn cảnh khu di tích đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc - nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại ATK Định Hóa (năm 1947). Ảnh: T.L |
Giành được chính quyền, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng một đất nước công nông, dân chủ trong muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên lượng: Pháp chưa từ bỏ Việt Nam. Đúng thế, vừa ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (14/9/1946), Pháp bội ước ngay bằng các hoạt động khiêu khích, xâm lược, khủng bố. Chúng ta phải cầm vũ khí để bảo vệ nền độc lập và thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
Sử sách nêu rõ: Trong điều kiện so sánh lực lượng ta và địch rất chênh lệch, chúng ta buộc phải kháng chiến lâu dài. Với tầm nhìn sâu rộng, ngay sau khi thành lập nước, Bác đã phân công đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn công tác lên củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Cuối tháng 10-1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng Ban tài chính Trung ương Đảng, cùng đoàn công tác trở lại Việt Bắc xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Định Hóa (Thái Nguyên), nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) hội đủ điều kiện “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” được chọn là nơi ở và làm việc của Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô Hà Nội.
Tháng 11-1946, Bác quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. Đội quyết định lập căn cứ ở các địa phương: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương…
Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm bắt đầu vào ngày 19/12/1946. Hành trình về lại ATK Việt Bắc của Bác Hồ cuối năm 1946, đầu năm 1947 là: Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Cổ Tiết (Phú Thọ), Hợp Thành (Tuyên Quang). Và ngày 20/5/1947, Bác về đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), nơi được chọn xây dựng trụ sở của Chủ tịch nước và cũng là điểm dừng chân cuối của hành trình. Đồi Khau Tý rất phù hợp với yêu cầu về nơi làm việc của Bác:
“Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang Bộ Tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng gió, kín mái
Gần dân, không gần đường…”
Tại đồi Khau Tý (xã Điềm Mặc) - nơi ở và làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, thường xuyên có mặt các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, cuối năm 1947, Bác đã hoàn thiện, cho in và phát hành cuốn “Sửa đổi lối làm việc” - tài liệu rèn luyện Đảng ta cho đến nay còn nguyên giá trị thời sự. Bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng cũng được Bác viết dưới trăng rừng Khau Tý:
“Đêm khuya nhân lúc quan hoài
Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Nước nhà đương gặp lúc cam go
Trăm việc ngàn công đều phải lo
Công việc nhờ anh em giúp đỡ
Sức nhiều thắng lợi lại càng to”
Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Điềm Mặc, Định Hóa ngày 20/5/1947. Nhưng trước đó ít ngày, Người đã từng có mặt ở Thái Nguyên. Câu chuyện như sau: …Đầu tháng 5-1947, tại cuộc gặp do 2 Hội Chữ thập đỏ Pháp - Việt tổ chức tại Gia Lâm để giải quyết các vấn đề nhân đạo, Pôn Muýt là đặc phái viên của cao ủy Pháp Bôlac đề nghị với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám về việc muốn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuyển thông điệp của Chính phủ Pháp. Bác đồng ý và chúng ta đã bí mật cho Pôn Muýt gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Thái Nguyên, nơi đang triệt để “Tiêu thổ kháng chiến”.
Khoảng 21 giờ ngày 11/5/1947, Bác tiếp Pôn Muýt tại một căn nhà còn khá nguyên vẹn tại thị xã Thái Nguyên. Thông điệp của Bôlac mà Pôn Muýt đọc thuộc lòng có 4 nội dung ngang ngược, tựu trung lại là yêu cầu ta hạ vũ khí đầu hàng. Và Bác đã nhẹ nhàng, lịch sự từ chối yêu cầu ngang ngược đó. Pôn Muýt về không nhưng trong lòng cảm phục Bác vô hạn…
Từ ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK trong cuộc kháng chiến 9 năm trời và Người đã di chuyển nhiều nơi. Bác rời Thái Nguyên, rời Thủ đô gió ngàn ngày 12/10/1954 tại căn cứ Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ.
Trong 9 năm ấy, Bác đã cùng Bộ Chính trị đưa ra nhiều quyết sách lịch sử và lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Đúng như Người từng nói: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Đó là lời tiên đoán và cũng là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào Việt Bắc vài tháng sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã chứng minh nhận định của Bác...
Hình bóng Bác - Người cha của mọi nhà - luôn in đậm trong trái tim, khối óc của đồng bào Việt Bắc, Thái Nguyên, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Nhớ Người những sớm tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người”
(Còn nữa)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin