Tôi mượn câu thơ “Bác để tình thương cho chúng con” của cố nhà thơ Tố Hữu để đặt tên cho bài viết nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Thái Nguyên (1/1/1964-1/1/2024). Bởi lẽ, vài tháng trở lại đây, lật giở từng bài báo, cuốn sách; đi lại những miền đất Bác ở, những thôn xóm, nhà máy Bác qua; đọc lại những lời dạy của Người với Đảng bộ và nhân dân quê mình, chiêm nghiệm những gì Thái Nguyên đã đoàn kết làm theo lời Bác mà thấy tự hào.
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I (năm 1952) tổ chức tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương. Ảnh: Tư liệu |
79 mùa Xuân của cuộc đời, 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể tìm đường cứu nước, ngót 15 năm sống cùng đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Thái Nguyên, chịu bao gian nan cực khổ vì độc lập, tự do cho dân tộc, Bác Hồ như vị thánh hiền trong lòng dân.
Trong cách mạng và kháng chiến, Người đã: Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng với dân; chăm lo, chỉ bảo cho dân từng bước đi, cách làm… Ân cần chỉ thị cho Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên thực hiện và đi đầu thực hiện những nhiệm vụ cho sự phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước, địa phương…
Bác Hồ với mảnh đất và con người Thái Nguyên; Thái Nguyên với Bác Hồ sâu đậm không gì so sánh được. Với cương vị Chủ tịch nước, trong 15 năm làm việc tại Thủ đô Hà Nội, Bác dành 7 lần cho Thái Nguyên, đó là một sự quan tâm đặc biệt...
Địa danh Thái Nguyên được Bác nhắc đến nhiều, ngay cả trong hành trình bôn ba nước ngoài, tố cáo sự ác độc của thực dân, Bác cũng lấy ví dụ từ Thái Nguyên. Về nước tại cột mốc 108 miền biên viễn Cao Bằng ngày 28/1/1941, thì tháng 5 năm đó, tại Hội nghị Trung ương 8, Bác đã nhận định: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ…
21 giờ ngày 22/8/1945, trên con đường vừa được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thị xã Thái Nguyên. Dù còn rất mệt do trận ốm trước đó chưa hồi phục và chặng đường mấy ngày vừa đi, nhưng Bác vẫn gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, căn dặn những việc cần làm ngay và cả những việc chuẩn bị tiếp.
Bác nhẹ nhàng nhắc nhở vị Chủ tịch chính quyền cách mạng tỉnh Lê Trung Đình về trách nhiệm người cán bộ trước dân; về đạo đức của người làm cách mạng là đầy tớ của dân.
Trong bộn bề công việc của năm 1946, với cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn dành cho Thái Nguyên những tình cảm đặc biệt, sự quan tâm sâu sắc. Người viết thư cho Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên: “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào… Người tôi tuy xa nhưng lòng tôi luôn gần anh em…”.
Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp bắt đầu vào ngày 19/12/1946, Bác về đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên), nơi được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chọn xây dựng đại bản doanh của Chủ tịch nước, rất phù hợp với yêu cầu về nơi làm việc của Bác: “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng gió, kín mái/Gần dân, không gần đường…”.
Gói gọn trong mấy câu thơ thay cho chỉ thị của Bác là một phẩm chất cao đẹp, luôn muốn gần gũi thiên nhiên, gần gũi dân… Tình yêu thiên nhiên hòa trong tình yêu và lo toan cho dân tộc được Bác thể hiện trong tuyệt phẩm “Cảnh Khuya” nổi tiếng, viết dưới trăng rừng Khau Tý: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà…
Bác từng nhắc cán bộ: “Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”. Từ tình thương bao la với dân, hiểu sức mạnh từ nơi dân, Người chỉ ra 3 thế mạnh thuộc về dân: Một là, Dân ta rất tốt. Hai là, Dân rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra. Ba là, Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Đây chính là ba cột chống vững chãi, tình cảm, trí tuệ, sức mạnh của dân để nâng đỡ tòa tháp dân chủ.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” hoàn thiện cuối năm 1947 tại đồi Khau Tý, Bác cũng chỉ ra 6 nội dung lớn, là những vấn đề hệ trọng, cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và mỗi cán bộ, đảng viên không thể không nằm lòng. Thứ nhất: Nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là phê bình và tự phê bình. Thứ hai: Đảng viên, cán bộ phải nhận thức vai trò của lý luận. Thứ ba: Vai trò của đạo đức người làm cách mạng và 5 điều răn: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Thứ tư: Phải đổi mới cách đánh giá, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ là sử dụng người có tài, có đức, có các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính. Thứ năm: Vấn đề cách lãnh đạo, ra quyết định đúng và kịp thời. Thứ sáu: Phải khắc phục thói ba hoa, sáo rỗng, nói không đi đôi với làm…
Từ ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK kháng chiến 9 năm trời và di chuyển nhiều nơi. Trong 9 năm ấy, Bác cùng Bộ Chính trị đưa ra nhiều quyết sách lịch sử và lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Đúng như Người từng nói: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Đó là lời tiên đoán và khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào Việt Bắc vài tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã chứng minh nhận định của Bác...
Hình bóng Bác - người cha của mọi nhà in đậm trong trái tim, khối óc đồng bào Việt Bắc, Thái Nguyên, như câu thơ của Tố Hữu: “Nhớ Người những sớm tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng người”.
Bác để lại muôn vàn tình thương cho toàn dân, toàn Đảng, cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Với Thái Nguyên, Người để lại tình thương qua lời dạy, qua cử chỉ ân cần và những kỳ vọng của Người đối với Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin