Vai trò báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Lê Mậu Lâm, Phó Trưởng Ban Xây dựng Đảng Báo Nhân Dân 08:14, 21/06/2023

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng.

Các phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi nghiệp vụ sáng tác ảnh với phóng viên TTXVN. Ảnh: T.L
Các phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi nghiệp vụ sáng tác ảnh với phóng viên TTXVN. 

Binh chủng đặc biệt

Báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng, báo chí của Đảng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng tiến hành cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội. Nhìn rộng ra, trên thế giới, các thế lực chính trị, ttổ chức kinh tế - xã hội, đều sử dụng báo chí như những công cụ phục vụ cho lợi ích, coi đây là vũ khí lợi hại của họ.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên cường, vừa là nhà báo tiên phong mẫu mực, có công lao to lớn trong việc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Làm báo đối với Người chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng.

Tại Đại hội VI của Đảng, mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong xây dựng Đảng, Tổng Bí thư  Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú ý phương châm được thông qua tại Đại hội VI: Hãy dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”.

Để chống tiêu cực, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghĩ về binh chủng đặc biệt quan trọng trong công tác tư tưởng là báo chí. Chọn “binh chủng” báo chí để chống tiêu cực. Tổng Bí thư đã đi tiên phong trên mặt trận này...

Trong giai đoạn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, không nhiệm kỳ nào, Trung ương Đảng không có nghị quyết về xây dựng Đảng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng ngày càng thể hiện tầm cao mới, đi vào chiều sâu, đồng bộ, kết hợp giữa “xây” và "chống", hành động ngang tầm quyết tâm chính trị...

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định, vai trò của báo chí được nhấn mạnh: Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền...

Có thể khẳng định, quá trình đổi mới, với sứ mệnh của mình, hệ thống báo chí nước nhà đã thể hiện vai trò binh chủng đặc biệt, là lực lượng xung kích trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thứ “giặc nội xâm” của đất nước… 

Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được nâng lên, tạo sự chuyển biến nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với việc giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước... 

Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Hoàng Anh
Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Hoàng Anh

Một số vấn đề và yêu cầu đặt ra

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm, hào khí biến các chủ trương, định hướng, mục tiêu tổng quát nhiệm vụ được đề ra tại của Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, thành hiện thực.

Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta xác định là một việc quan trọng, cấp thiết. Đảng ta đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó trọng tâm phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Mới đây, theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hàng loạt sự kiện nỗ lực mới, với sự phối hợp của các cơ quan khối nội chính và bảo vệ pháp luật, cùng một số cơ quan báo chí của Trung ương trong phòng, chống tham những, tiêu cực đã tạo nên “lưới trời lồng lộng” mang ý chí của Đảng, tâm nguyện của Nhân dân.

Đơn cử như liên quan đến vụ Việt Á, không chỉ có các vị thứ trưởng mà các vị bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đang trong quy trình xử lý kỷ luật nghiêm khắc…

Cần thấy rằng, đã xuất hiện tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và ngay trong cơ quan báo chí. Do đó, từ các cơ quan báo chí trước hết “tự làm sạch mình”, đi vào rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ; không ngừng đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ, trong lực lượng người làm báo. Các cơ quan báo chí, hội nhà báo và các cơ quan quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần đấu tranh mạnh mẽ với những hiện tượng thiếu lành mạnh trong hoạt động báo chí.

Báo chí cần coi trọng việc kết hợp với các hình thức truyền thông mới trong thông tin, tuyên truyền. Đồng thời đầu tư đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, gắn liền với phát triển các “tập đoàn” báo chí đa phương tiện đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội trong kỷ nguyên số. Gắn liền với đó, cần có cách thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn để phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, động viên trí tuệ và sự đóng góp của toàn xã hội, bạn bè quốc tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hợp tác nhiều mặt của nước ta với cộng đồng quốc tế…