Đồi Phong tướng – Ai còn nhớ?

Hữu Minh 08:56, 07/05/2023

Trương Văn Vựng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phú Đình (Định Hoá), xã trung tâm của ATK thời kháng chiến, có nói với tôi: Phú Đình hôm nay đã đổi thay nhiều. 13 xóm của xã hầu như xóm nào cũng có di tích kháng chiến và được đầu tư khá khang trang. Cho dù năm 2019 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn đó nhiều việc phải làm. Người dân, nhất là 386 đảng viên của xã phải hiểu biết lịch sử để tham gia làm du lịch chứ không thể đứng ngoài cuộc… Anh Vựng nhấn mạnh: Ngay Di tích Đồi Phong tướng ở Nà Lọm (nay sáp nhập với xóm Tỉn Keo) câu chuyện thế nào, chả mấy người tường, khách hỏi cứ ấp úng. Vậy là tôi phải viết ra…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch Hồ Chí minh tại xã Bảo Linh (Định Hóa) năm 1951.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chủ tịch Hồ Chí minh tại xã Bảo Linh (Định Hóa) năm 1951. Ảnh tư liệu

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đã khẳng định sự trưởng thành của đạo quân “Từ nhân dân mà ra” khi nó đủ sức đánh bại cuộc tấn công của 12.000 quân viễn chinh thiện chiến của tướng Pháp Salan… Và, đã đến lúc, Chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu cũng cần chính quy hoá quân đội, đợt phong tướng đầu tiên vào ngày 28/5/1948, cách nay tròn 75 năm tại đồi Pụ Đồn bản Nà Lọm (ATK Phú Đình Định Hoá, Thái Nguyên) đã đi vào lịch sử…

Cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục tặng tôi 2 tập dạng bản gốc cuốn nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ Kháng chiến Lê Văn Hiến, ông ghi chép đều đặn, khách quan công việc hàng ngày tại chiến khu Việt Bắc. Trong đó, là người trong cuộc, ông đã mô tả chi tiết phiên họp Hội đồng Chính phủ (HĐCP) ngày 19/1/1948 đưa ra quyết định lịch sử: Phong quân hàm cho các tướng lĩnh quân đội.

Ngày 28/5/1948 đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử QĐND Việt Nam như một trang chói sáng - Ngày Chính phủ làm Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nơi làm Lễ thụ phong trang trọng đó nằm dưới chân đồi Pụ Đồn, bản người Tày Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nay đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia với nhà bia lưu danh giản dị, khiêm tốn.

Mấy chục năm qua, không ít bài báo đã viết về sự kiện này, cũng như viết về ATK tuyệt mật một thời chống Pháp... Nhưng cụ thể và đầy đủ là khi chúng tôi gặp trang viết trong nhật ký của một Bộ trưởng trong Chính phủ Kháng chiến, trang đề ngày 28/5/1948.

Như chúng ta đều đã biết, sau hơn 3 năm vận động quần chúng theo cách mạng trên vùng biên ải Cao Bằng, nhận thấy phải thành lập những đội quân tuyên truyền giải phóng dân tộc và đội quân ấy phải được vũ trang, ngày 22/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân rồi quyết định Nam tiến.

5 tháng sau, ngày 15/5/1945 tại đình Làng Quặng thuộc tổng Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, chỉ huy Võ Nguyên Giáp tổ chức thành lập Việt Nam Giải phóng quân trên cơ sở sáp nhập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân 2.

Rồi chỉ mấy tháng sau, đội quân ấy đã cùng với cả dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Hơn một năm sau, khi chưa kịp củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, Quân đội ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2, bắt đầu từ tối 19/12/1946... Và cho đến thời điểm này, Quân đội ta cũng chưa kịp có quân hàm.

***

Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến sinh năm 1904 tại Đà Nẵng. Năm 1928, ông là đại diện của Chi bộ Đà Nẵng đi dự Đại hội Kỳ bộ của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đầu tháng 12/1945, ông được Hồ Chủ tịch cử làm đặc phái viên của Chính phủ đi kiểm tra, chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương tại các tỉnh Trung và Nam bộ. Năm 1946 và suốt 8 năm kháng chiến, ông đảm nhiệm tổ chức công tác kinh tế tài chính, từ việc in, phát hành giấy bạc Cụ Hồ đến toàn diện nền tài chính kháng chiến...

Trong một bữa ăn tối sau phiên họp Hội đồng Chính phủ giữa núi rừng Việt Bắc, Hồ Chủ tịch có ra một câu đối vui: GIÁP PHẢI GIẢI PHÁP. Ông Tôn Quang Phiệt đối lại: HIẾN TÀI HÁI TIỀN, Bác khen hay và chuẩn. Nuôi quân và đánh giặc có vai trò quan trọng như nhau...

Cuốn nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến mở đầu vào ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 và ngừng hẳn vào ngày 26/11/1951. Việc không thể viết tiếp là do công việc quá bận, cũng để lại trong ông sự nuối tiếc vô bờ sau này. Giá trị của cuốn nhật ký là tính chân thực của những việc ông trải qua, cảm nhận. Với đất nước, đây là một tài liệu quý giá vô cùng... Tôi có trong tay cuốn nhật ký 2 tập, hơn 200 trang đánh máy A4 là của nhà văn Nguyễn Khắc Phục tặng tại Nha Trang năm 1998 với hy vọng sẽ điện ảnh hóa, vì hầu hết được viết trong 5 năm tại Thái Nguyên, Việt Bắc.

Nhà bia tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đồi Phong tướng.
Nhà bia tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đồi Phong tướng.

Trở lại sự kiện 28/5/1948 - Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng lần đầu tiên ấy. Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến mô tả khá chi tiết về chiến dịch của Pháp nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến Thu - Đông năm 1947. Trải qua cam go nhưng chiến thắng thuộc về chúng ta. Cũng qua đó, nhiều bộ đội ta được “thử lửa” và cứng cáp hơn. Chỉ huy bộ đội thêm kinh nghiệm chiến đấu, ta đánh bại tướng giặc. Phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 19/1/1948 đã đưa ra quyết định lịch sử - Phong quân hàm cho các tướng lĩnh.

Nhật ký viết: “Ngày 19/1/48, trời rỉ rả mưa, gió rét, trong mấy hôm họp hội đồng đã quyết mấy vấn đề quan trọng này:

1- Về quân sự:

a. Tặng phong các tướng sĩ: Võ Nguyên Giáp phong Đại tướng, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia; Nguyễn Bình - Trung tướng, phụ trách phía Nam; Thiếu tướng Nguyễn Sơn...”

Ngay ngày hôm sau (20/1/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110 thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Nhưng trong hoàn cảnh kháng chiến, phải hơn 4 tháng sau Sắc lệnh trên mới được công bố.

Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: “28/5/48-ATK: Hôm nay cũng là ngày lịch sử, vì là ngày làm lễ thụ phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Đáng lẽ lễ cử hành sáng hôm nay nhưng mưa to quá, suối đầy nước lội không qua được. Vả lại, HĐCP vẫn chưa hết chương trình, phải để lại buổi chiều.

Cả buổi sáng, Hội đồng giải quyết các vấn đề lặt vặt ở các bộ không có gì quan trọng lắm. 12 giờ trưa mới xong, trời cũng bắt đầu tạnh mưa. Ăn xong, nghỉ một chốc đến 1 giờ đi đến địa điểm làm lễ thụ phong.

Trong một căn nhà dựng bên cạnh suối lớn, dựa một bên núi, cây cối phủ kín, ở ngoài trông vào rất khó thấy mà máy bay cũng khó lòng lục lạc. Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. “Thống nhất độc lập nhất định thành công...". Sự trưng bày rất đơn giản mà trang nghiêm.

Đến giờ làm lễ. Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội lên đứng hai bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ. Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rơm rớm nước mắt. Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mừng. Cuối cùng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh hùng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cùng Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Hồ Chủ tịch, Quốc hội và Chính phủ, và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Tuyên bố xong, Võ Nguyên Giáp lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Rồi Hồ Chủ tịch tuyên bố bế mạc cuộc lễ. Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi chung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ. Trước những ngày lễ có tính long trọng Cụ không thể nào không nhớ hết đến các tiên liệt, các đồng chí từ bao nhiêu năm chiến đấu cho đất nước, chịu bao nỗi gian lao khổ sở, kẻ hy sinh đầu này người hy sinh chỗ nọ, nhờ những sự hy sinh dũng cảm ấy nên mới có ngày hôm nay. Mỗi lần nhớ đến các bạn ấy, là mỗi lần Cụ cầm lòng không đặng nên phải có những giây phút khó chịu, Cụ xin lỗi anh em. Chúng mình nghe Cụ nhắc lại những ngày nào trong trường chiến đấu trải qua những đoạn gian lao, cũng cảm thấy khó chịu trong người khi nhớ đến các bạn ngày nay đã khuất bóng.

Toàn thể nhân viên Chính phủ đều ra chụp ảnh kỷ niệm”.

Bây giờ xin được nói về đồi Pụ Đồn, nơi tổ chức buổi Lễ phong tướng lịch sử năm xưa, Di tích lịch sử Đồi phong tướng ngày nay. Cuối tháng 7 năm 1947,  giặc Pháp mở rộng xâm chiếm các vùng tự do của ta. Nhiều trẻ em ly tán chạy giặc nương náu ở các nhà thờ tỉnh Phú Thọ. Bác Hồ cử đồng chí Vũ Kỳ đi đón được 35 em. Bác cùng các cán bộ giúp việc, bảo vệ dựng lán trại ở, xây dựng hội trường lớp học tại đồi Pụ Đồn, bản Nà Lọm, tự rút bớt khẩu phần ăn, tăng gia chăn nuôi, lại được sự đùm bọc của dân bản, các em được ăn học mà không xin tiền Chính phủ.

Trại thiếu nhi hoạt động theo chiến thuật du kích, lúc phân tán, khi tập trung. Tại hội trường lớp học này đã có nhiều cuộc họp Chính phủ và các lễ thụ phong cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình; các Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Trần Tử Bình, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Lê Thiết Hùng.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Đồi Phong tướng được dựng bia, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Những năm gần đây cũng có ý tưởng xây dựng tại đây một Bảo tàng tướng lĩnh để lưu danh, giáo dục lịch sử, truyền thống. Theo Đại tá Khương Doãn, Tổng Biên tập Báo Quân khu 1 thì cho đến nay, hàm Đại tướng QĐND sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Đức Anh, Phạm Văn Trà, Đoàn Khuê, Lê Văn Dũng, Nguyễn Quyết, Phùng Quang Thanh, Đỗ Bá Tỵ, Ngô Xuân Lịch, Lương Cường, Phan Văn Giang… Hy vọng điều đó sẽ sớm trở thành hiện thực trong một tương lai gần.