Chuyện ít biết về đơn vị đặc biệt mang mật danh K20

Phan Thái 10:05, 03/05/2023

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tập thể và cá nhân hoạt động trong vùng địch để mua lương thực, vũ khí, thuốc men, xăng dầu và mọi thứ hàng khác cung cấp cho chiến trường miền Nam. Một trong số đó là đơn vị mang mật danh K20, chỉ huy đơn vị là ông Nguyễn Đức Phương, người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Trần Thị Thục Oanh, người đóng vai em gái “ông chủ lớn”, tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Đức Phương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Trần Thị Thục Oanh, người đóng vai em gái “ông chủ lớn”, tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Đức Phương. Ảnh tư liệu (gia đình cung cấp)

Tới thăm ngôi nhà của Đại tá Nguyễn Đức Phương tại phường Quan Triều, TP. Thái Nguyên, tôi bùi ngùi xúc động ngắm di ảnh của ông trên ban thờ. Con người bình dị ấy có một thời oanh liệt với những chiến công nghe như huyền thoại.

Đọc những dòng tư liệu viết về đơn vị đặc biệt mang mật danh K20 và “nhà tư sản” Nguyễn Đức Phương sắm vai “ông chủ lớn”, hoạt động tại Lào và Campuchia, tôi không khỏi bất ngờ bởi giữa lòng địch, các cán bộ, chiến sĩ của ta làm được những điều kì diệu như thế.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, vấn đề đảm bảo hậu cần cho những đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam đặt ra hết sức cấp thiết. Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm đến công tác này và thành lập một đơn vị sang Lào tạo nguồn lương thực dự trữ mang tên Đoàn 763. Tháng 7-1963, binh trạm trưởng Nguyễn Đức Phương được giao làm Đoàn trưởng Đoàn 763 lên đường nhận nhiệm vụ. Tháng 9-1963, đoàn đến địa điểm quy định tại Lào. Được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy A Tô Pơ (Pa thét Lào), các cán bộ, chiến sĩ đã tới các bản làng xa xôi của Lào thu mua lương thực. Cuối tháng 10-1963, đoàn đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ và nhận được điện biểu dương của Bộ Quốc phòng.

Tại Pắc Xế, một thị trấn ở Nam Lào (thuộc quyền kiểm soát của lực lượng đối lập), ta đã tiếp xúc được với vợ của Khăm Lượm, Quân khu phó - vợ hắn là em gái Hoàng thân Bun Ùm, một nhân vật có thế lực nhất ở Hạ Lào. Việc thu mua lương thực được vợ Khăm Lượm chuyên chở thuận lợi. Tuy nhiên, đề phòng địch thăm dò lực lượng ta ở vùng giải phóng rồi bất ngờ huy động máy bay ném bom hay tổ chức càn quét, việc buôn bán, khơi nguồn hàng từ Pắc Xế bị ảnh hưởng nên Ban Chỉ huy Đoàn 763 điện ra Bộ Quốc phòng xin phép sang Campuchia mua hàng và được chấp thuận.

Một đợn vị mới làm nhiệm vụ đặc biệt được thành lập mang mật danh K20 do ông Nguyễn Đức Phương chỉ huy. K20 lập căn cứ tại một khu rừng cạnh bản Xen Kẹo, cách đồn Đôn Phầy gần 3km giáp với biên giới Lào. Ông Phương được trao một số tiền lớn trong vai nhà tư sản và là “ông chủ lớn”. Một số cán bộ khác đóng các vai “ông chủ nhất”, “ông chủ hai”.

Bằng sự linh hoạt, mưu trí, chỉ sau vài tháng K20 đã biến đồn trưởng Đôn Phầy thành cầu nối kéo nguồn hàng từ Phnôm pênh và các thành phố khác trên đất Campuchia về Đôn Phầy. Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho K20 mỗi năm phải thu mua được một vạn tấn lương thực. Tuyến đường mang hàng về lấy bí danh là đường C4. Một cơ sở bí mật của ta tại Campuchia được kết nối và đưa đoàn tư sản Hoa kiều từ Phnôm Pênh lên thảo luận việc buôn bán.

Vào tháng 12-1965, những chuyến hàng dồn dập đổ về Đôn Phầy. Thấy mối lợi, các thương nhân từ Stung Treng, Cara Chê, Phnôm Pênh đua nhau chở gạo theo đường sông Sê Kông lên bán cho “ông chủ lớn”. Thuyền buôn về nhiều, bọn mật thám và nhân viên CIA cũng mò theo. Bằng nhiều biện pháp, ta đã vô hiệu hóa việc điều tra.

Máy bay Mĩ ném bom đánh phá dữ dội tuyến đường Trường Sơn. Việc vận chuyển bằng xe cơ giới từ miền Bắc chi viện cho chiến trường gặp nhiều khó khăn. Xét thấy vận chuyển bằng ca nô không đáp ứng được số lượng lớn, ông Phương đại diện K20 xin ý kiến cấp trên cho mở con đường ô tô dài 60km từ Xiêng Pạng đến Đôn Phầy.

Với sự khôn khéo, K20 đã thuyết phục được huyện trưởng Xiêng Pạng. Ngay lập tức ta đã đưa Trung đoàn 98 cải trang thành thường dân đóng giả “cu li” mở đường. Chỉ trong vòng một tháng, con đường hoàn thành. Thời gian đi lại từ Đôn Phẩy về Phnôm Pênh từ hàng tuần lễ rút xuống còn 2 ngày.

Trung đoàn 98 được lệnh tiếp tục cải trang thành “cu li” thực hiện nhiệm vụ: Một tiểu đoàn bốc vác hàng hóa, một tiểu đoàn xây dựng kho bí mật và một tiểu đoàn làm đường ở tuyến sau. Các cơ sở của ta hoạt động tại Phnôm Pênh và các tỉnh hợp đồng thu mua và thuê chở gạo chạy thẳng lên Đôn Phầy. Hai cán bộ K20 cũng được lo giấy tờ sống hợp pháp ở Phnôm Pênh để đứng chủ tài khoản, giao dịch với các nhà tư sản. Ngoài việc mua gạo, thuốc men, các loại hàng hóa khác, đồng chí Lê Trọng Tấn thay mặt Ban cung cấp tiền phương chỉ thị cho K20 mua thật nhiều xăng đưa về dự trữ.

K20 đã giao dịch với các nhà buôn, tài xế xe tải, chủ ca nô, móc nối với sĩ quan quân đội Campuchia mua xăng dầu. Nhờ có mối quan hệ buôn bán với các nhân vật quan trọng trong chính quyền sở tại, K20 mua được hàng triệu lít xăng dầu…

Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ bên đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Trung tá Trần Thị Thục Oanh, người được cử tham gia K20 làm nhiệm vụ kiểm nghiệm chất lượng thuốc men, vật tư y tế, cho biết: “Hoạt động trong điều kiện các lực lượng thù địch ráo riết ngăn chặn, chống phá, cán bộ chiến sĩ K20 luôn bình tĩnh, tự tin xử lí mọi tình huống. Sẵn sàng dấn thân vào những nơi nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ. Sự liêm khiết, đức độ từ nhân cách của người chỉ huy Nguyễn Đức Phương góp phần tạo nên sức mạnh cống hiến quên mình phụng sự Tổ quốc của tập thể K20”…”.

Tôi vô cùng xúc động trước bức ảnh ông Nguyễn Đức Phương đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm tại ngôi nhà bình dị ông và gia đình sinh sống. Khi về hưu, ông từ chối nhận căn nhà được phân tại Hà Nội để về vùng đất khuất nẻo bên ga Quán Triều, tỉnh Thái Nguyên, vỡ hoang khu đồi trọc rộng 2,5ha làm kinh tế vườn với người vợ bao năm nuôi con, chờ chồng đằng đẵng.

Chiến tranh đã lùi xa, các cán bộ, chiến sĩ K20 nay người còn người mất. Đóng góp thầm lặng của họ suốt những năm tháng cam go, khốc liệt đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.