Chuyện của nhà điệp báo mưu trí, dũng cảm

Linh Lan 13:29, 16/04/2023

Năm nay tròn 95 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, chưa lúc nào Đại tá Dương Lê Phẩm (tức Lê Tuấn) quên những ngày tháng sống, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Với chất giọng hào sảng và trí nhớ mẫn tiệp, ông tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bình yên ở tổ dân phố 3, phường Châu Sơn (TP. Sông Công), kể lại một thời hoa lửa xung phong lên đường chi viện cho chiến trường năm xưa.

Ông Lê Tuấn (ngồi giữa) cùng gia đình, người thân trong buổi gặp mặt dịp tháng 4-2023.
Ông Lê Tuấn (ngồi giữa) cùng gia đình, người thân trong buổi gặp mặt dịp tháng 4-2023.

Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những hồi tưởng: Sau 5 năm công tác ở Công an TP. Thái Nguyên, tháng 8-1967, tôi có đơn tình nguyện và được cấp trên cử đi học tập, sau đó chi viện vào chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ của tôi ở Ban An ninh là Phó Tiểu Ban Điệp báo Đặc khu Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng), tham gia xây dựng lực lượng điệp báo trinh sát vũ trang và tấn công chính trị Mỹ, Ngụy. Vào chiến trường đúng lúc tổng công kích Mậu Thân 1968, tôi chỉ đạo mạng lưới, huấn luyện trinh sát, điệp viên phục vụ kháng chiến chống Mỹ.

Công việc của các điệp báo thời ấy đòi hỏi phải tiếp cận với địch nên cán bộ của ta đã làm căn cước giả để vào nội thành của Đặc khu Quảng Đà, quận 1, 2, Hòa Vang, Điện Bàn, TX. Hội An. Chỉ vài hôm sau khi vào Đà Nẵng, ông Lê Tuấn đã có thẻ căn cước ghi tên: Phóng viên Nam Phong của Báo Sài Gòn.

“Khi tôi chưa kịp vào nội thành thì bị địch tập kích, người làm giả căn cước mặc dù hủy tư liệu nhưng chưa hết nên địch đã phát hiện hình tôi qua những tấm ảnh còn lại. Một người bị địch bắt biết tôi khi làm Phó Trưởng Công an TP. Thái Nguyên đã khai về tôi. Vậy là địch phóng to tấm ảnh của tôi để truy nã. Bức ảnh đó, tôi nhìn rõ vết sẹo trên má mình, ở dưới có đề dòng chữ: Ai bắt, bắn được Lê Tuấn sẽ được trao giải 1 triệu USD (cùng đồng chí Trần Thận, Phó Bí thư Đặc khu ủy V). Tôi ngạc nhiên, không ngờ mình lại có giá cao đến như vậy!” - Ông Lê Tuấn cười, ngưng dòng hồi tưởng, nhấp chén trà nóng. Sự kiện ông thoát chết trong gang tấc như mới xảy ra hôm qua. Địch truy bắt gắt gao nhưng nhờ sự giúp đỡ của các anh em và nhất là sự mưu trí, dũng cảm của người điệp báo, ông đã cải trang trốn thoát, trở về vùng Điện Bàn, Điện Hồng chỉ đạo đường dây liên lạc nội thành.

Giai đoạn 1968-1975, nhờ trí tuệ sắc sảo và sự gan dạ, khéo léo của những cán bộ làm công tác điệp báo, ta phát hiện không ít tên phản gián, phản bội để lực lượng trinh sát vũ trang tiêu diệt. Đồng thời phối hợp tổ chức phong trào quần chúng đấu tranh phá kìm, giành quyền kiểm soát của lực lượng cách mạng.

- Trong chiến tranh, ta linh hoạt đánh địch bằng nhiều cách, trong đó có tấn công chính trị. Ông có thể kể lại một trận đánh trước kia quân ta sử dụng thành công cách đánh này không ạ? - Tôi đề nghị.

- Cùng với đấu tranh quân sự, ngoại giao thì tấn công chính trị là một đòn sắc bén, mang lại hiệu quả cao. Thời gian ở Quảng Đà, có lần tôi đã dùng danh nghĩa Mặt trận Miền Trung Trung bộ gửi Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh vùng 1 chiến thuật kêu gọi tinh thần yêu nước, dừng ngay lập tức các hoạt động chống phá nhân dân, gây tổn thất cho đồng bào nếu không sẽ bị tiêu diệt tại nhà.

Khi đó, Hoàng Xuân Lãm cầm đầu chiến dịch, chỉ huy 4 sư đoàn Ngụy và cả thủy quân, lục chiến Mỹ một trung đoàn. Sau khi nhận được bức thư của ta, trước lời lẽ phân tích sâu sắc, đanh thép của nhà điệp báo tài ba, Hoàng Xuân Lãm đã khiếp sợ, không dám ra trận và bị truất quyền Tư lệnh vùng 1. Cùng với nhiều thông tin từ lực lượng điệp báo, sau 52 ngày đêm, ta đã đánh thắng chiến dịch Lam Sơn 719, tiến tới phá tan lực lượng cảnh sát Ngụy ở Hội An và giải phóng toàn bộ các huyện, thị của Đặc khu Quảng Đà vào năm 1975.

Nhớ lại 8 năm làm công tác điệp báo, đồng cam cộng khổ với đồng đội, nhận sự cưu mang, giúp đỡ của nhân dân ở Quảng Đà, ông Tuấn xúc động nói mình thật hạnh phúc vì đã trở thành người con của quê hương có truyền thống yêu nước, đi đầu trong phong trào diệt Mỹ.

Ông Lê Tuấn (thứ hai từ trái sang) kể lại cho đồng đội và hai con gái về những năm tháng ở chiến trường miền Nam.
Ông Lê Tuấn (thứ hai từ trái sang) kể lại cho đồng đội và hai con gái về những năm tháng ở chiến trường miền Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, từ tháng 6-1975 đến tháng 6-1977, ông Tuấn được điều về làm Trưởng Công an TP. Thái Nguyên, sau đó về Văn phòng Bộ, phụ trách công tác nghiên cứu pháp chế tại Phòng Pháp chế (Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) cho đến khi nghỉ hưu (năm 1990).

Quan sát trong phòng khách nhà ông Tuấn, chúng tôi thấy rất nhiều bức ảnh ông chụp cùng những cán bộ Công an tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ qua các năm gặp mặt kỷ niệm. Chỉ tay vào tấm ảnh to được đóng khung trang trọng, ông nói: Năm 2020, với tư cách là Phó Tiểu Ban Điệp báo, Ủy viên Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà (giai đoạn 1967-1975), tôi dự Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam tại Hà Nội. Gặp mặt đồng đội, tôi thấy mình thật may mắn khi còn sống đến hôm nay và cũng xót xa khi nhớ đến nhiều đồng đội của mình đã hy sinh trên chiến trường.

Những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, nhiều lần cận kề với cái chết, ông Tuấn hiểu và trân trọng hơn giá trị của tự do, nhất là sự hy sinh của đồng đội cho mình được sống đến ngày hòa bình. Ông không quên người đồng đội Phạm Quang Sáu, Trưởng Tiểu Ban Bảo vệ nội bộ, quê ở Nam Tiến (TP. Phổ Yên), đã từng nhiền lần cứu mình khỏi cơn nguy nan. Một lần, khi địch đổ quân, ông Sáu vì đậy hầm cho ông Tuấn và đồng chí Xã đội trưởng Điện Bàn nên không kịp chạy thoát, bị trực thăng địch bắn, bắt về TX. Hội An. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng ông Sáu quyết không khai những đồng đội của mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Nhờ vậy ông Tuấn và các điệp báo khác mới được an toàn.

Mừng vui trước những thành tựu bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phát triển, ông bảo: Mong rằng thế hệ trẻ ngày nay hãy tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống của cha ông, sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp của đất nước, xây dựng đất nước giàu có, phồn thịnh. Đồng thời luôn khắc nhớ, tri ân những hy sinh, cống hiến của thế hệ trước để có được nền hòa bình hôm nay.

Chia tay ông, trong đầu tôi in đậm hình ảnh nhà điệp viên tình báo tài năng, dũng cảm cùng hai câu thơ ông viết: “95 tuổi vẫn sáng ngời tâm trí/ 75 tuổi Đảng vẫn thanh thản vì dân!”…