Nghe sóng biển trong tim người lính trẻ

Dương Thị Kiều Anh (Trường THPT Đại Từ) 10:27, 19/03/2023

Tôi gặp lại em qua màn hình điện thoại, em tươi cười rạng rỡ trong tiếng sóng biển. Khi nghĩ đến lối sống của thanh niên thời đại xã hội chủ nghĩa, nét đẹp trong phong cách sống và rèn luyện ý chí theo các thế hệ đi trước, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, tôi đã nghĩ đến em - Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Công Minh, sinh năm 1997, người con  ưu tú của quê hương Đại Từ.

Nhà giàn DKI giữa biển khơi. Ảnh: thanhnien.vn
Nhà giàn DKI giữa biển khơi. Ảnh: thanhnien.vn

Sinh ra trên vùng đất Hà Thượng, nơi có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, em nói rằng, dù đi đâu và làm gì cũng luôn tự hào là một người con ở đất Anh hùng.

Hoàng Công Minh là người dân tộc Cao Lan. Như bao người Cao Lan sinh sống tại trung du và vùng núi phía Bắc, em nói thành thạo tiếng của dân tộc mình. Từ khi sinh ra đến khi học phổ thông tại trường THPT Vùng Cao Việt Bắc, em luôn ghi nhớ và giữ gìn phong tục, tập quán của dân tộc Cao Lan, đặc biệt dù đi công tác ngoài xa khơi nhưng em vẫn mang theo bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Với tôi, em là một điển hình của thanh niên dân tộc thiểu số thời đại xã hội chủ nghĩa: trân trọng bản sắc văn hóa của dân tộc, biết  vượt qua những gian khó trong cuộc sống góp sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Và đặc biệt, lý tưởng sống, hoài bão phấn đấu trong Quân đội nhân dân là cách để Hoàng Công Minh thể hiện tình cảm với người cha đáng kính của mình.

Bố của em, thương binh 1/4 - cựu chiến binh Hoàng Văn Hồng, đã tham gia chiến đấu trong những ngày tháng bom đạn không ngừng trút xuống tại chiến trường Vị Xuyên, Hà Giang trong cuộc đấu tranh để bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1984 - 1989.  

Hoàng Công Minh lớn lên cùng những câu chuyện nhà binh bố kể. Khi còn bé, có lần em hỏi bố: Bom đạn như vậy, bố có sợ không? Câu trả lời của bố ngày ấy đã in đậm vào tâm trí của em, ảnh hưởng đến lựa chọn lý tưởng sống của em hôm nay: Bố sợ, nhưng sợ mình và đồng đội không giữ được biên cương Tổ quốc chứ không sợ chết.

Truyền thống yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm của quê nhà cùng sự kế thừa những phẩm chất cách mạng từ gia đình đã thôi thúc chàng thanh niên Hoàng Công Minh đi theo tiếng gọi binh nghiệp. Minh tự nhủ với mình rằng: Bố đã dành cả tuổi trẻ và sức khỏe để bảo vệ biên giới, còn con, con ước mơ được bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Năm 2016, Hoàng Công Minh nhập ngũ, tham gia lực lượng Hải quân, bắt đầu hành trình thực hiện mơ ước và khát vọng của mình.

 

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Công Minh: Nếu được chọn lại lần nữa, tôi vẫn chọn đến đây để canh giữ biển trời Tổ quốc, nguyện làm người xung kích của quê hương.

Từ  lý tưởng đến thực tiễn là những năm tháng đầu gặp nhiều khó khăn, vất vả. Trong thời gian huấn luyện, học tập tại Quân chủng Hải quân, sinh sống xa nhà trong một môi trường kỷ luật và thời tiết khắc nhiệt, Hoàng Công Minh nhớ bố mẹ và gia đình da diết. Nhưng cùng với những đồng đội trẻ, khác Minh kiên trì học tập và bám biển. Ngày ngày nghe tiếng sóng vỗ, ngắm nhìn những đoàn tàu đánh cá của ngư dân đầy khoang hải sản trở về trong nắng, Minh càng cảm thấy lựa chọn của mình là đúng đắn.

Nếu như trước đó, chàng trai dân tộc thiểu số miền núi chỉ biết đến những hòn đảo ngoài xa khơi qua câu chuyện, đoạn phim, vần thơ, bài hát… thì tới đảo em mới cảm nhận được một cách chân thực nhất tinh thần quả cảm, anh dũng của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân đã vượt qua sóng to, bão lớn, sự thiếu thốn, khó khăn để giữ vững tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm giữ vững từng tấc biển đảo; làm chỗ dựa cho ngư dân vươn mình bám biển, phát triển kinh tế đất nước.

Nắng và gió biển đã tôi luyện cậu thanh niên dân tộc Cao Lan non nớt ngày nào thành người lính hải quân rắn rỏi, vạm vỡ. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân, chuyên ngành Radar bờ, Hoàng Công Minh được phân công công tác tại Trung đoàn radar 251, Bộ tư lệnh vùng II, Binh chủng Hải quân.

Tháng 8 năm 2021, em tình nguyện ra công tác tại Nhà giàn DKI/11, tiểu đoàn DKI, Bộ Tư lệnh vùng II Hải quân, bắt đầu những trải nghiệm đầy thử thách nhưng đúng với hoài bão và lý tưởng của mình: Bảo vệ vững chắc biển đảo - một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Tại DKI/11 ngoài khơi nơi em đang công tác chẳng có hoa phong ba cũng không có lá bàng vuông, tại DK chỉ có khung cảnh mênh mang của biển cả cùng sóng gió và bão táp. Mỗi ngày khi mặt trời dần ngả về phía Tây, buông ráng chiều màu cam đậm, nhìn về phía biển tít tắp… Hoàng Công Minh tâm sự đó là lúc mà em và các đồng chí hay nhớ nhà và nghĩ về đất liền.Tuy vậy, em vẫn khẳng định chắc nịch rằng: Đối với em, được tiếp nối truyền thống của những người lính biển, được gánh vác nhiệm vụ thiêng liêng cao cả mà Tổ quốc cùng nhân dân giao phó là niềm tự hào không chỉ với em mà với cả gia đình của em.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Công Minh kể, mỗi lần gọi điện về nhà, bố luôn nhắc nhở em phải luôn ghi nhớ và thực hiện tốt những lời thề trong Quân đội, học tập và công tác sao cho xứng đáng với bộ quân phục Hải quân đang mặc trên người, phát huy vai trò xung kích của đảng viên trẻ. Nếu như tại đơn vị, môi trường quân đội của Binh chủng Hải quân đã giúp em rèn luyện thêm bản lĩnh vững vàng, biết cách thích nghi và vượt qua gian khó, làm tròn nhiệm vụ được giao thì hậu phương của em - người bố thương binh, người mẹ tảo tần luôn sưởi ấm trái tim em, cho em điểm tựa, giúp em tôi luyện thêm chất “thép” trong lý tưởng của mình.

Hoài bão sống, tinh thần phấn đấu không ngừng nghỉ vì lý tưởng trong sáng, cách mạng của Trung úy Hoàng Công Minh chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về thế hệ trẻ sẵn sàng có mặt ở nơi khó khăn, thực hiện những nhiệm vụ khi Tổ quốc cần, như những câu thơ trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất/Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt/Nguyện làm người xung kích của quê hương…