Như bông sen đang độ tỏa hương

Bùi Nhật Lai 10:51, 09/04/2023

Sinh ra và lớn lên tại xóm 9 Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương), nơi khởi nguồn của Làng nghề bánh chưng, nhưng chị Nguyễn Bích Liên lại là cô giáo, làm bánh với chị chỉ là nghề tay trái. Năm 2012, về nghỉ hưu, chị mới có nhiều thời gian cho nghề. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát, khi Làng nghề bánh chưng số 9 Bờ Đậu được thành lập (năm 2017), chị được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Quản lý Làng nghề, chị tâm huyết với Làng nghề từ đó.

 

Hẳn kiếp trước mình đã có duyên nợ với nghề làm bánh chưng hay sao ấy - Miệng nói, tay chị vẫn thoăn thoắt gói bánh. Những chiếc bánh chưng vuông vức, mười cái như cả mười cứ thế qua bàn tay chị được xếp ngay ngắn trên bàn. Nhìn chị làm không có một động tác thừa đủ biết tay nghề nghệ nhân điêu luyện đến mức nào. Chờ chị gói xong mẻ gạo, tôi hỏi:

 - Làng nghề thành lập từ khi nào vậy?

Rót nước mời tôi, chị thong thả: - Năm 2007, Làng nghề được thành lập theo chủ trương chỉ đạo của trên nhằm phục hồi các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho mọi người trong làng. Năm 2009, tỉnh cấp Bằng công nhận là Làng nghề truyền thống.

- Từ khi Làng nghề được thành lập và được công nhận, bà con làm bánh có khác trước nhiều không? Tôi dè dặt.

Chị Liên hồ hởi: - Khác chứ! Khi Làng nghề được thành lập, yêu cầu sản xuất cũng trở nên nghiêm ngặt, vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Ban kiểm tra chất lượng được bầu ra là những thành viên có uy tín và có kinh nghiệm trong nghề, chịu trách nhiệm giám sát việc sản xuất của bà con. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm của bà con ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đến nay, cả Làng nghề có 50 hộ làm bánh với 200 lao động, hàng ngày sản xuất hàng nghìn chiếc bánh, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản xuất được duy trì ổn định, đời sống của bà con không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng, nhờ vậy, các hội viên đều xây được nhà cửa khang trang, làng có tới 70% hộ đã mua được ô tô.

Mắt chị ánh lên niềm vui, hạnh phúc khi kể với tôi những thành công của Làng nghề, nơi chị đã góp một phần công sức của mình. Trong hơn chục năm tham gia quản lý, lãnh đạo Làng nghề, chị đã cùng Ban Lãnh đạo Làng nghề từng bước xây dựng thương hiệu của Làng nghề, thông qua các cuộc thi, các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm, các dịp lễ, hội. Đặc biệt, khi tham gia “Chương trình khảo sát thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng 2013” do Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo tổ chức năm 2013, Làng nghề bánh chưng số 9 Bờ Đậu lọt top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiểng. Nhờ đó, bánh chưng Bờ Đậu đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến. Nhiệt tình, năng động và có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Làng nghề, năm 2017, chị Nguyễn Bích Liên được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng Bằng khen. Không dừng lại ở đó, năm 2000, chị quyết định thành lập Hợp tác xã truyền thống Bánh chưng Bờ Đậu.

Tôi thắc mắc: - Vì sao chị lại quyết định thành lập hợp tác xã khi đã có làng nghề truyền thống?

Chị trải lòng: - Qua tìm hiểu tôi nhận thấy thành lập hợp tác xã sẽ có nhiều cái lợi. Thông qua điều lệ hợp tác mới hiện nay các thành viên sẽ có nhiều quyền lợi, có thể vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, cùng liên doanh, liên kết chủ động hùn vốn mở rộng kinh doanh, được tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, quản lý hợp tác xã… đây cũng là xu thế phát triển chung của làng nghề hiện nay. Chính vì thế, đầu năm 2020 tôi đã thành lập Hợp tác xã truyền thống Bánh chưng Bờ Đậu với 8 thành viên, tôi là Giám đốc. Hợp tác xã ra đời đòi hỏi sản xuất cũng cao hơn, phải công khai nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường, tất cả nguyên liệu phải có xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là yêu cầu mà các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt, từ vệ sinh nhà xưởng đến các công đoạn sản xuất cũng như thành phần nguyên liệu tạo thành sản phẩm.

- Và những khó khăn Hợp tác xã đã trải qua?

- Rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu, sao cho giá cả hợp lý và phải đảm bảo chất lượng cũng như số lượng mình yêu cầu. Gạo nếp vải chúng tôi đặt tại xã Ôn Lương (Phú Lương) và một số xã của huyện Định Hóa. Lá dong chúng tôi lại đặt tại Chợ Đồn (Bắc Kạn), đỗ đặt tại các siêu thị có uy tín trong tỉnh, thịt lợn mua tại địa phương, tất cả đều có địa chỉ rõ ràng. Ngoài ra, chúng tôi cho xây dựng, cải tạo, làm mới hệ thống nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị như nồi hơi, nồi điện, tủ bảo ôn… thay dây buộc nilon bằng lạt giang truyền thống, đảm bảo môi trường sản xuất hợp vệ sinh, đạt chuẩn quy định an toàn thực phẩm. Chính vì làm tốt những khâu trên và thực hiện nghiêm các quy định của hợp tác xã, ngày 8/12/2021, sản phẩm của chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao và có mã QR để truy xuất nguồn gốc.

- Hợp tác đã đi vào hoạt động quy củ, chị còn có điều gì trăn trở?

Nghe tôi hỏi, nét mặt chị trở nên trầm tư, rồi chị nói:

- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người lao động luôn là nỗi trăn trở của chúng tôi. Hiện, chúng tôi mới có 20 nồi điện, 5 nồi hơi nhưng phải mua nguồn điện ngoài, giá cao. Tới đây rất mong ngành Điện cho kéo mạng ba pha để chúng tôi có thể sử dụng nồi điện thay thế hết những bếp than. Để đa dạng sản phẩm, chúng tôi sẽ làm thêm các loại bánh như: Bánh chưng xanh lá riềng (sản phẩm chúng tôi đã được trao giải Nhất trong hội thi của tỉnh năm 2021); bánh chưng gấc… đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Tôi mong có thể xây dựng một trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm tại địa phương, kết hợp quảng cáo sản phẩm thông qua mạng xã hội, từng bước phấn đấu để đạt OCOP 5 sao…

Những chiếc bánh chưng xinh xắn từ bàn tay những người lao động làm ra đến với người tiêu dùng là một quá trình lao động cực nhọc. Trong đó có cả niềm vui, hy vọng và những trăn trở, suy tư. Nghe chị Nguyễn Thị Bích Liên trải lòng, tôi hiểu chị rất tâm huyết với Làng nghề, tôi tin với tài năng và quyết tâm của mình nhất định chị sẽ đạt được mục đích. Tôi bỗng liên tưởng chị là bông sen đang độ tỏa hương thơm ngát giữa Làng nghề…