Sức sống mới ở bản Mông Dân Tiến

Ghi chép của: Huệ Dinh 19:40, 26/03/2023

Đã cuối tháng Ba, nhưng những cây hoa đào ở các bản Mông của xã Dân Tiến (Võ Nhai) vẫn còn vương những nụ hoa khoe sắc thắm. Dường như cuộc sống của hơn 140 hộ người dân tộc Mông nơi rẻo cao Dân Tiến đã ngày một đổi thay nên những nụ hoa cũng nương theo đó mà khoe sắc và bền bỉ hơn với thời gian. 

Vậy là sau hơn 30 năm “hạ sơn”, bà con đã không còn phải lo chạy ăn từng bữa trong những ngày giáp hạt. Con đường vào các bản Mông được đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con; lũ trẻ trong bản được đến trường học “con chữ”…

Trồng rừng và tham gia làm việc tại các xưởng chế biến gỗ trong xã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người Mông ở xã Dân Tiến (Võ Nhai).
Trồng rừng và tham gia làm việc tại các xưởng chế biến gỗ trong xã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con người Mông ở xã Dân Tiến (Võ Nhai).

“Khai thông” suy nghĩ bằng tình cảm chân thành

Năm 1990, những hộ người dân tộc Mông đầu tiên đã di chuyển từ Tuyên Quang, Hà Giang… về Dân Tiến định canh, định cư. “Đất lành chim đậu”, dần dần, hai bản người Mông là Lân Vai và Đồng Ươm được hình thành (mỗi bản có trên 70 hộ dân sinh sống), tạo thành một quần thể dân cư mang bản sắc dân tộc Mông độc đáo. Dẫu vậy, khi mới về đây, hầu hết các hộ vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa chủ động phát triển kinh tế gia đình, dựng xây cuộc sống mới.

Để thay đổi tư duy, suy nghĩ của bà con, chính quyền địa phương đã phải rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền. Anh Hoàng Thế Nhân, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Dân Tiến, chia sẻ: Người Mông từng nghĩ, họ được Nhà nước phát gạo cứu đói, phát cây giống, con giống… nên không phải làm mà vẫn có ăn. Bởi thế, mấy chục năm trước, các bản Mông ở Dân Tiến nghèo lắm. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi hầu hết các hộ với suy nghĩ phải đông con để có người làm nên đều đẻ nhiều, đẻ dày, dẫn đến gia cảnh nheo nhóc, lũ trẻ đói ăn, suy dinh dưỡng… Đây chính là những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân của lớp cán bộ tiền bối.

Dù vậy, những cán bộ địa phương vẫn tìm mọi cách để tiếp cận và “thủ thỉ” với bà con. “Mưa dầm thấm lâu”, khi cán bộ lựa chọn được những hạt nhân trong cộng đồng người Mông ở địa phương đi trước, làm gương và thành công, nhiều hộ dân thấy hiệu quả cũng đã làm theo. Đơn cử như việc vận động bà con đầu tư chăn nuôi. Thấy hộ các ông Hầu Văn Páo, Hầu Văn Thành ở bản Lân Vai đầu tư có hiệu quả, nhiều hộ dân làm theo. Đến nay, cả hai bản Mông đã có gần 200 con trâu, bò. Nhiều hộ đầu tư nuôi cả đàn lợn gần chục con…

Ông Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, cho hay: Các cán bộ luôn gần gũi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đồng thời, giải thích để bà con hiểu rằng nếu cứ ỷ lại vào Nhà nước mà không tự lực vươn lên thì từ đời này sang đời khác vẫn mãi phụ thuộc vào nguồn trợ cấp, bữa ăn có tằn tiện cũng chưa đủ no qua ngày. Lũ trẻ không được đến lớp, mù chữ, cuộc sống vẫn mãi khó nghèo như lớp cha ông. Cả việc sinh nhiều con cũng khiến cho đời sống bà con không bao giờ hết khổ…

Cũng từ chia sẻ của vị Chủ tịch UBND xã, chúng tôi càng hiểu hơn, việc tuyên truyền để cộng đồng dân cư chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã khó, thì vấn đề “khai thông” tư tưởng lạc hậu của người Mông còn khó hơn. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải rất linh hoạt. Khi tranh thủ gặp gỡ trên nương, lúc lại vào nhà dân “chén chú, chén anh”, cùng ăn bữa cơm đạm bạc và chuyện trò, giải thích giống như những người trong gia đình. Hoặc có khi tranh thủ những hôm triển khai các chính sách của Nhà nước như phát gạo, cây, con giống…, cán bộ địa phương lại “đả thông tư tưởng” để bà con tích cực phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; hưởng ứng các chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Một số hộ dân ở bản Lân Vai, xã Dân Tiến, mạnh dạn đầu tư máy làm đất phục vụ sản xuất.
Một số hộ dân ở bản Lân Vai, xã Dân Tiến, mạnh dạn đầu tư máy làm đất phục vụ sản xuất.

Nghe lời cán bộ dựng xây cuộc sống mới

Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cộng đồng người Mông ở Dân Tiến “vỡ ra” nhiều điều. Ông Hầu Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lân Vai, chia sẻ: Cán bộ đã giúp chúng mình hiểu rằng phải nỗ lực vươn lên thì mới mong có cuộc sống đủ đầy. Con cái phải được học hành, có tri thức mới mong hết đói khổ. Đặc biệt, mỗi người dân đều phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật thì xóm bản mới yên vui và có điều kiện xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Khi đã “thông”, bà con rất tích cực phát triển kinh tế. Nếu ở Đồng Ươm, bà con người Mông tập trung trồng hàng chục héc-ta rừng và tham gia làm việc tại các xưởng chế biến gỗ trong xã thì nhiều hộ ở Lân Vai mạnh dạn đầu tư trồng mía, kéo mật, làm đường phên. Trồng rừng keo lai đòi hỏi phải có thời gian bởi từ lúc trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch cần 6-7 năm. Còn trồng mía, đầu ra khá thuận lợi, nhưng cũng có những năm bị mất giá (như năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá đường giảm chỉ còn 2/3 so với mọi năm). 

Khó khăn là vậy, nhưng người Mông ở Dân Tiến vẫn không nản lòng, bởi họ đã tin vào Đảng, Nhà nước và cán bộ địa phương. Và hôm nay, niềm tin ấy đã được “đền đáp” xứng đáng, nhiều hộ có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rừng và làm việc trong các xưởng chế biến gỗ. Vui hơn cả là năm 2022, các hộ trồng mía ở Lân Vai đã có một năm thắng lợi khi thu hoạch được khoảng 400 tấn đường, với giá bán 30 đến 35 nghìn đồng/kg, cao hơn 2 năm trước từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg.

Thay vì cam chịu đói nghèo, lớp trẻ người Mông ở đây đã thay đổi tư duy chỉ quẩn quanh ở “xó nhà”, thay vào đó là đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhờ đó có thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Và từ đó đã tạo nên một thế hệ tương lai đầy hứng khởi.

So với nhiều năm trước, cuộc sống của bà con người Mông ở Dân Tiến nay đã đổi thay nhiều. Đường bê tông chạy đến tận trung tâm bản; điện lưới quốc gia đã về tới từng hộ dân. Cả phân trường mầm non, tiểu học cũng đã được đầu tư xây dựng; người dân khi ốm đau là ra trạm y tế khám, chữa bệnh, chứ không còn tình trạng mời thầy cúng về nhà làm lễ. 

Tuy nhiên, chính quyền địa phương nơi đây vẫn vô cùng trăn trở bởi “vấn nạn” tảo hôn và tình trạng một số gia đình còn “trọng nam, khinh nữ”, sinh con thứ 3 trở lên để có người “nối dõi”. Đáng nói, số hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm gần 100%... Ông Trần Lê Dũng cho biết thêm: Cùng với đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền thì việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của địa phương. Chúng tôi hy vọng trong tương lai không xa, các bản Mông ở quê hương mình sẽ có sự “lột xác” ngoạn mục…