Lão nghệ nhân say mê “bon sai bay”

Linh Lan 09:44, 02/04/2023

45 năm say mê, gắn bó với nghệ thuật sinh vật cảnh (SVC), nghệ nhân Phạm Đức Thoả đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo trong không gian sống của mình. Giới chơi cây cảnh trong tỉnh còn đặc biệt ngưỡng mộ bởi ông là người đầu tiên và duy nhất ở Thái Nguyên cho ra đời những chậu bon sai có thể chuyển động, hay còn gọi là “bon sai bay”.

Ông Phạm Đức Thoả bên một tác phẩm bon sai của mình.
Ông Phạm Đức Thoả bên một tác phẩm bon sai của mình.

Thú vui tao nhã

Năm nay gần 80 tuổi song ông Thoả vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và say mê với nghệ thuật SVC. Tham quan không gian xanh nơi vợ chồng ông sinh sống ở tổ 4, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), với khoảng 800m2, chúng tôi được mãn nhãn với “kho tàng” trên 200 tác phẩm về cây cảnh, bon sai lớn nhỏ, với nhiều loại khác nhau; 40 tác phẩm đá cảnh; 50 tác phẩm gỗ lũa độc đáo được trưng bày ở khuôn viên và nhiều nơi trong căn nhà.

“Từ khi đang công tác tại Bệnh viện A Thái Nguyên (năm 1978), tôi đã mê cây, mong muốn chăm sóc và sáng tạo tác phẩm SVC. Vậy là tôi bắt đầu với nghệ thuật bon sai, sau này là cả gỗ lũa. Từ khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để sống với đam mê. Phần lớn thời gian trong ngày, tôi dành cho việc chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng những tác phẩm SVC”- bên chén trà nóng, ông Thoả trải lòng.

Nghe ông giới thiệu từng loại cây bon sai, với những thế độc đáo khác nhau, chúng tôi hiểu, để có được những chậu cây như ý, ông đã dành biết bao công sức, tâm tư, tình cảm. Tôi thoáng hình dung ra dáng ông cần mẫn ngồi lựa chọn kỹ lưỡng từng khe đá, tảng đá, tỉ mỉ cắt tỉa, uốn nắn từ rễ, thân, cành cho đến ngọn, tạo dáng như những cây cổ thụ thu nhỏ ngoài thiên nhiên, với hình thái ấn tượng, bố cục hài hòa.

Thú chơi bon sai cũng lắm công phu và khá tốn tiền, đòi hỏi người chơi phải thực sự đam mê, có kiến thức, nhất là dành nhiều thời gian và có không gian trưng bày. Song chính tình yêu với thiên nhiên cùng sự tài hoa hiếm có đã giúp ông Thoả vượt qua những khó khăn ban đầu để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang nhiều cảm xúc cho người thưởng lãm. Với từng tác phẩm, ông gửi gắm vào đó những ý nghĩa riêng sâu sắc, kết nối những ý tưởng sáng tạo không giới hạn của người chơi.

Vườn xanh giữa phố của gia đình ông giúp không gian đô thị gần hơn với thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Vào dịp cuối tuần đây cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của những người yêu SVC trong và ngoài tỉnh.

Ông luôn hạnh phúc vì những tác phẩm mình sáng tạo góp thêm niềm vui thảnh thơi cho tuổi già, giúp không gian nơi ông sinh sống tươi đẹp và còn đem lại hiệu quả kinh tế khá cho gia đình. Cùng với nghệ thuật bon sai, ông Phạm Đức Thoả đã chế tác gỗ lũa. Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của ông, những lõi cây được điêu khắc, đục chạm đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Cũng như thú chơi bon sai, điêu khắc gỗ lũa là một công việc đòi hỏi lòng kiên nhẫn và sự say mê. Làm gỗ lũa mất nhiều công sức bởi là phần gốc, lõi cây cứng nhất còn sót lại của các gốc cổ thụ khô sau khi cây bị chết nên gỗ lũa rất cứng, để điêu khắc từng chi tiết rất tỉ mỉ đòi hỏi nghệ nhân phải bỏ ra nhiều thời gian.

Những rễ cây khô, thô kệch và nhìn qua tưởng như xấu xí, qua bàn tay của ông Thoả đã có tạo hình sống động, ấn tượng, với “đời sống” thứ hai bền chắc và ý nghĩa. Từ hòn non bộ đến hình hài các con vật làm bằng gỗ lũa đều chứa đựng tâm hồn riêng mà ông Thỏa xem đó là những đứa con tinh thần của mình.

Ông bộc bạch: “Khi sáng tạo tác phẩm gỗ lũa, tôi thấy mình là một thợ mộc, cũng là một hoạ sĩ và cả nhà điêu khắc. Tất cả các công đoạn giúp tôi rèn cho mình đức tính kiên trì, nhẫn nại và luôn sáng tạo không ngừng nghỉ”.

“Mộc thiên - Thập Nhị Giáp”- tác phẩm gỗ lũa thể hiện sự tài hoa và sáng tạo của ông Phạm Đức Thoả.
“Mộc thiên - Thập Nhị Giáp”- tác phẩm gỗ lũa thể hiện sự tài hoa và sáng tạo của ông Phạm Đức Thoả.

Trong căn phòng tầng hai của ngôi nhà, ông Thoả trưng bày các tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật cùng với rất nhiều tấm huy chương công nhận khi ông “đem chuông đi đấm xứ người” dự các cuộc thi, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Trong số đó, tôi ấn tượng với sản phẩm mang tên “Mộc thiên - Thập Nhị Giáp”. Từ gốc cây gỗ lũa nguyên bản, ông đã chế tác thành những con giáp với hình hài sống động có hồn theo ý tưởng của mình, phản ánh khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ.

Giàu ý tưởng sáng tạo

Nhận xét về ông Thoả, ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hội SVC tỉnh, nói: Bên cạnh gỗ lũa và những dòng cây cảnh bon sai truyền thống, ông Thoả đã nghiên cứu và sáng tạo ra các mẫu bon sai hiện đại, hội tụ các giá trị chân - thiện - mỹ. Ông là người đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Thái Nguyên tìm tòi, thành công tạo ra những chậu “bon sai sai” độc đáo. Các hội viên SVC của tỉnh, thành phố đến thưởng thức tác phẩm “bon sai bay” của ông đều vô cùng thích thú, ấn tượng.

Ngắm nhìn hai tác phẩm “bon sai bay” tâm đắc, được đặt ở phòng khách, ông Thoả chậm rãi nói: Nghệ thuật “bon sai bay” xuất phát từ Nhật Bản, đây là một loại cây cảnh mang phong cách truyền thống nhưng có kích thước nhỏ và điều kỳ diệu nhất là nó có thể chuyển động. Nhưng muốn cây lơ lửng và xoay tròn trên không trung thì phải có bộ phận đế gồm nam châm điện từ tính và nam châm điện vĩnh cửu giữ cho cây thăng bằng. Để làm được điều này đòi hỏi một quá trình tư duy sáng tạo và tỉ mỉ đến từng chi tiết của nghệ nhân mà không phải ai cũng đủ sự kiên trì và đam mê theo đuổi.

Ông Phạm Đức Thoả bên chậu bon sai bay tựa đề Dải đất mộng mơ.
Ông Phạm Đức Thoả bên chậu bon sai bay tựa đề Dải đất mộng mơ.

Mất hàng năm trời nghiên cứu các tài liệu và tham khảo từ các nghệ nhân cây cảnh trong nước để thiết kế theo ý mình, ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tay vào năm 2019. Các sản phẩm “Dải đất mộng mơ” và “Miền quê yên bình”, với tạo hình cây đề và tùng la hán chuyển động vòng tròn, của ông Thoả đã vượt qua hàng nghìn tác phẩm SVC đặc sắc của 60 tập thể, doanh nghiệp, nhà vườn và hơn 500 hội viên đến từ 15 tỉnh, thành trên cả nước, xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Triển lãm - thi SVC chào mừng 60 năm ngày thành lập TP. Thái Nguyên (19/10/2022).

Với những sáng tạo miệt mài trong nghệ thuật SVC, ông Thoả đã giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành khi tham gia các hội thi, sân chơi khắp các tỉnh, thành và hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật. Nhất là sự đột phá trong việc tạo dựng tác phẩm nghệ thuật “bon sai bay”, năm 2019, ông Thoả được Hội SVC Việt Nam công nhận là “Nghệ nhân sinh vật cảnh”. Đây là “trái ngọt”, là động lực cho ông tiếp tục sáng tạo nghệ thuật…