Với nhiều giải pháp và sự quyết tâm cao ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại Thái Nguyên đã bắt nhịp để duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, qua 2 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả bước đầu để Thái Nguyên phấn đấu giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng 9% trong năm nay.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu khởi sắc, bất chấp bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca F0 trên địa bàn tăng cao và trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán của người lao động. Với giải pháp phù hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, sự nỗ lực của các thành phần kinh tế nên kết quả sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn được duy trì và có chiều hướng phát triển tốt.
Theo kết quả thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng trên 10%, như: May ước đạt 7,2 triệu sản phẩm, tăng 31,7%; xi măng ước đạt 198,3 nghìn tấn, tăng 37,8%; điện sản xuất ước đạt 145 triệu Kwh, tăng 48,3%; thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa đạt 161,5 triệu sản phẩm, tăng 47,4%…
Để bảo đảm hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2022 được ổn định, phát triển, góp phần hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu (kế hoạch xuất khẩu của tỉnh năm 2022 tăng 9%) và tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 8%, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực kinh tế; tăng cường bảo đảm an toàn phòng dịch tại các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong 2 tháng đầu năm, lĩnh vực sản xuất xi măng của tỉnh tăng trưởng 37,8% so với cùng kỳ. Ảnh: V.H
Trên cơ sở đó, các ngành chức năng của tỉnh và 9 huyện, thành, thị đã yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất tổ chức, sắp xếp lại phương án sản xuất, kinh doanh; bảo đảm phân luồng, giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên kiểm tra, đánh giá các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm tại các đơn vị, DN, khu công nghiệp. Việc kiểm tra công tác bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tăng cường, triển khai chặt chẽ, nhất là ở những thời điểm số ca F0 liên tục tăng gây thiếu hụt nguồn lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Qua kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 thời quan qua và việc hướng dẫn kịp thời của cơ quan chức năng, các DN trong khu, cụm công nghiệp của tỉnh không còn bị động mà đã chủ động thích ứng linh hoạt. Phần lớn các DN cũ vẫn duy trì sản xuất, một số DN mới đầu tư đã đi vào hoạt động. Do vậy, khối các doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục có đóng góp lớn vào giá trị công nghiệp của tỉnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 2 tháng đầu năm, tại một số DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh có nhiều F0 phải nghỉ điều trị tại nhà nhưng chủ DN đã kịp thời phun khử khuẩn toàn bộ khu vực sản xuất, bố trí lực lượng lao động phù hợp để không gián đoạn sản xuất.
Chị Lý Thị Huệ, công nhân Công ty TNHH Glonics Việt Nam có trụ sở tại phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Phân xưởng tôi đang làm việc có công nhân là F0 nhưng sau khi cách ly theo quy định, vệ sinh an toàn, rà soát, test nhanh thì toàn bộ lao động và hoạt động sản xuất đã nhanh chóng trở lại bình thường.
Cùng với đó, nhiều DN trong tỉnh đã tận dụng thời điểm không có dịch bệnh để nâng công suất, chủ động dự trữ nguyên, nhiên liệu để “chạy trước” kế hoạch. Bà Nguyễn Hồng Tám, Phó Giám đốc Nhà máy TNG Đại Từ (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG), thông tin: Nhiều công nhân dương tính với SARS-CoV-2 nên chúng tôi phải bố trí lực lượng lao động hết sức khoa học, linh hoạt. Đối với những phân xưởng, tổ không có công nhân là F0 đều có cơ chế để động viên người lao động thi đua sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng để giao cho đối tác đúng hạn.
Tương tự, nhiều DN lớn của tỉnh, như: Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Tập đoàn An Khánh, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên… đều thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đối với các DN vừa và nhỏ, tuy có khó khăn hơn do nguồn lực tài chính và mạng lưới phân phối sản phẩm còn hạn nhưng cũng nỗ lực tìm các giải pháp để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định sản xuất.
Từ thực tế cho thấy, thông qua kết quả phát triển sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm, chưa thể nhận định chính xác về chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên trong cả năm 2022 sẽ cán đích ở mức nào. Song, với sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và các DN, cơ sở sản xuất, người lao động, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên phấn đấu ở trong nhóm dẫn đầu so với các tỉnh miền Bắc.