Chương trình giáo dục phổ thông 2018:
"Sốc” về điểm đánh giá giữa kỳ

Hằng Nga 09:16, 26/11/2022

Thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành kiểm tra đánh giá giữa học kỳ I năm học 2022-2023. Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh, học sinh (HS) khối 10 băn khoăn nhất là điểm học hằng ngày và điểm bài kiểm tra giữa kỳ ở một số môn học rất thấp.

Giờ học môn Vật lý của lớp 10A7, Trường THPT Lương Ngọc Quyến.
Giờ học môn Vật lý của lớp 10A7, Trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Năm học 2022-2023, cấp THPT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Theo đó, cùng với sách giáo khoa mới, phương pháp dạy, kiểm tra của HS có nhiều thay đổi.

Với Trường THPT Lương Ngọc Quyến, năm học này, Nhà trường có 15 lớp khối 10 với trên 700 HS. Trong đó có 10 lớp Ban Khoa học tự nhiên, 5 lớp Ban Khoa học xã hội. Khi chuyển từ chương trình cũ sang chương trình giáo dục mới, các em HS gặp không ít khó khăn về cách thức học và làm bài kiểm tra.

Em Mạc Phương Diệp, lớp 10A11, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, cho biết: Lớp em có 46 bạn thuộc Ban Khoa học xã hội. Đợt kiểm tra giữa kỳ vừa qua, nhiều bạn nhận điểm số các môn học rất thấp. Có đến 1/2 lớp nhận điểm kiểm tra môn Vật lý dưới trung bình, chủ yếu điểm 3, điểm 4. Ngoài nguyên nhân do chúng em học trọng tâm các môn khoa học xã hội, thì chương trình lớp 10 mới có nhiều bộ môn không có tài liệu, sách tham khảo như chương trình cũ. Cách thức kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi. Ví dụ như môn Ngữ văn, trước đây bài kiểm tra tự luận là một bài văn viết 2-3 trang giấy, nhưng giờ chỉ là 1 câu tự luận viết 300-400 chữ, còn lại là câu hỏi trắc nghiệm…

Còn theo em Lê Đắc Hiếu, lớp 10A1, HS Ban khoa học tự nhiên Trường THPT Đại Từ: Chương trình mới đề cao sự chủ động của HS. Những bạn nhận điểm thấp qua kiểm tra, đánh giá có thể là do chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp. Nhiều bạn đã quen với cách học, làm bài của chương trình cũ là thụ động, giáo viên truyền tải gì thì ghi chép lại và làm bài thi theo cách được hướng dẫn. Còn chương trình mới đòi hỏi chúng em phải mở rộng tìm hiểu và áp dụng nhiều kiến thức thực tế vào bài làm.

Theo các giáo viên giảng dạy khối lớp 10 năm học này, trong chương trình mới có nhiều ưu điểm. Ngoài mục tiêu về kiến thức đã có sự chú trọng hơn đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Cô giáo Lê Lan Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Đại Từ, nhận định: Đối với môn Ngữ văn, HS phát huy được 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cách thức kiểm tra, đánh giá cũng có điểm mới đó là tác phẩm ngoài sách giáo khoa (mở rộng). Vì thế nếu em nào chủ động khai thác các nguồn học liệu tốt thì bài kiểm tra sẽ được đánh giá cao. Tuy nhiên, cái khó là trình độ nhận thức và khả năng tiếp thu của HS không đồng đều, nên điểm số có sự chênh lệch rõ rệt.

Còn cô giáo Bùi Thị Minh Hảo, Tổ Ngữ văn, Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho rằng: Với chương trình mới, ngoài lượng kiến thức dài thì giáo viên tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm tài liệu xây dựng đề kiểm tra đọc hiểu và viết. Qua đó nhằm đánh giá chính xác năng lực HS, khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Điều này gây ra khó khăn đối với các em HS lớp 10, do đã quá quen thuộc với cách học cũ trong suốt hai cấp học trước.

Đối với các bộ môn khoa học tự nhiên, thầy giáo Bùi Tiến Tùng, dạy môn Hóa học tại Trường THPT Đại Từ cho hay: Mỗi môn học sẽ phát huy từng năng lực, phẩm chất của từng HS. Môn Hóa học phát triển năng lực tư duy, thực hành, tính toán. Ưu điểm nữa là giáo viên có thể tham khảo được học liệu dạy học rộng hơn. Người dạy phải có sự đầu tư, thay đổi về phương pháp, còn người học chuyển từ trạng thái thụ động tiếp nhận kiến thức sang chủ động. Một trong những điểm mới đáng chú ý ở môn Hóa học theo chương trình mới là tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất… được đọc bằng tiếng Anh thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây. Điều này cũng khiến HS gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu tiếp cận chương trình học.

Đồng quan điểm với thầy Tùng, thầy giáo Phạm Văn Sơn, dạy môn Vật lý, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, chia sẻ: Đối với khối khoa học tự nhiên, mặt bằng chung về điểm số so với năm trước có tiến bộ hơn. Tuy nhiên, các em ban khoa học xã hội điểm số thấp là do tư duy về môn khoa học tự nhiên chưa nhanh, chưa kể một số em cũng chưa thực sự chú trọng đến môn học này. Do HS chưa quen với cách thức học mới và cách kiểm tra đánh giá 70% trắc nghiệm, 30% về tư duy, cách trình bày, các thầy cô trong tổ chuyên môn thống nhất giảm tốc độ dạy, dành nhiều thời gian ôn tập cho các em.

Theo nhận định của nhiều giáo viên, nếu trước đây, các bài kiểm tra thiên về đánh giá kiến thức, thì trong chương trình mới sẽ linh hoạt hơn về hình thức và tiêu chí đánh giá học sinh. Bước vào chương trình mới, khó khăn, bỡ ngỡ là khó tránh khỏi, nhưng theo đánh giá của đa số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, chỉ sau học kỳ I của năm học này, HS sẽ thích ứng với cách học, kiểm tra đánh giá mới.


Từ khóa:

điểm

học kỳ

học sinh

giáo dục