32 năm nhiệt huyết ''trồng người"

Vi Vân 08:44, 25/11/2022

Với 32 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó có 11 năm làm công tác quản lý, dù ở cương vị nào, cô giáo Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơn (Phú Bình), cũng luôn tận tâm “trồng người”. Năm 2021, cô vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo Ưu tú”.

Cô giáo Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơn (Phú Bình), cùng học sinh chăm sóc cây, hoa trong khuôn viên Trường.
Cô giáo Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơn (Phú Bình), cùng học sinh chăm sóc cây hoa trong khuôn viên Trường.

Đến thăm Trường Tiểu học Hương Sơn vào một ngày cuối tháng 11, đi từ ngoài cổng vào, chúng tôi thấy các bức tường, hàng ghế đá được tô điểm bởi những bức tranh nhiều màu sắc về hoạt động dạy học, trải nghiệm của giáo viên (GV), học sinh (HS); trong sân Trường và mỗi lớp học đều được trồng cây xanh, hoa; cơ sở vật chất của Nhà trường được xây dựng khang trang với đầy đủ các thiết bị học tập…

Cô Thanh chia sẻ: Tháng 3-2021, tôi được luân chuyển từ Trường Tiểu học Tân Hòa về đảm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Sơn. Lúc này, Nhà trường có 10 lớp phải học nhờ ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (thuộc tổ 4, thị trấn Hương Sơn) để xây dựng nhà lớp học 3 tầng. Khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, huyện Phú Bình sử dụng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên làm nơi cách ly cho các trường hợp nghi nhiễm. Do đó, toàn bộ 250 HS đang học ở Trung tâm được chuyển về trường chính ở tổ dân phố La Sơn, thị trấn Hương Sơn. Với số lượng HS đông (trên 1.100 HS), tôi luôn trăn trở, băn khoăn và thấy mình cần phải “hành động” để tạo môi trường học tập tốt nhất cho HS.

Từ suy nghĩ trên, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của cấp trên, việc đầu tiên khi cô Thanh về công tác tại Trường Tiểu học Hương Sơn làm là cải tạo, nâng cấp công trình nhà vệ sinh. Theo cô, đây là vấn đề tưởng rất nhỏ nhưng lại bức thiết, cần phải làm ngay bởi nếu công trình vệ sinh không đảm bảo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý của HS.

Do đó, cô đã liên hệ với Hội thiện tâm (Hàn Quốc) để vận động họ hỗ trợ trên 83 triệu đồng, xây dựng mới 2 phòng vệ sinh; tham mưu với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đề nghị cấp trên hỗ trợ sửa chữa 8 phòng vệ sinh, trị giá gần 200 triệu đồng. Đến nay, Nhà trường đã có 10 phòng vệ sinh đảm bảo yêu cầu.

Cùng với đó là việc cải tạo khuôn viên Trường và các lớp học. Cô cho biết: Với khuôn viên Nhà trường rộng 12.500m2, việc trồng cây gì, ở vị trí nào cho phù hợp, tôi thường cân nhắc kỹ lưỡng. Để tạo không gian xanh, tôi yêu cầu GV chủ nhiệm thông báo tới mỗi HS về nhà trồng một cây, hoa mà các em thích vào chậu hoặc chai, lọ dưới sự hướng dẫn của phụ huynh, sau đó mang cây đến Trường, đặt ở hành lang, góc lớp học… Hàng ngày, các em được trải nghiệm tưới, chăm sóc cây do chính mình trồng.

Song song với hoàn thiện cơ sở vật chất, cảnh quan trường, lớp học, cô Thanh còn luôn chú trọng xây dựng các hoạt động phù hợp với lứa tuổi HS tiểu học. Theo đó, vào mỗi thứ Hai hàng tuần, ngoài thực hiện các chuyên đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cô cùng với các thành viên trong Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo trong Nhà trường tổ chức các hoạt động lấy trẻ làm trung tâm.

Tại mỗi chương trình, GV chủ nhiệm sẽ cùng với cô Tổng phụ trách Đội hướng dẫn HS ở tất cả các khối, lớp lần lượt tham gia dẫn chương trình (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh) nhằm phát triển khả năng, ngôn ngữ nói ở trẻ, giúp các em thêm tự tin trong giao tiếp, ứng xử…

Với tâm niệm “Có giáo viên giỏi sẽ có học sinh giỏi”, cô Thanh luôn tạo điều kiện cho cán bộ, GV Nhà trường tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; mời giảng viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên tập huấn về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cho toàn bộ GV; phát động phong trào ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số vào mỗi tiết dạy để làm cho bài giảng sinh động hơn…