Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về những mong muốn nhân dịp tết Quý Mão

Theo thanhnien.vn 16:57, 24/01/2023

Nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những điều ông mong muốn, gửi gắm từ phía xã hội, phụ huynh và chính đội ngũ nhà giáo để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về những mong muốn, gửi gắm của ông tới xã hội, phụ huynh và đội ngũ nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về những mong muốn, gửi gắm của ông tới xã hội, phụ huynh và đội ngũ nhà giáo.

Mong nhà giáo có niềm tin, hạnh phúc với nghề

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, điều ông mong muốn thứ nhất là làm sao có đầy đủ các điều kiện để triển khai các nhiệm vụ của ngành GD-ĐT.

Mong muốn thứ hai, làm sao đó về phía xã hội, phụ huynh đã chia sẻ, đã thông cảm, đồng hành với ngành giáo dục nhưng chắc chắn cần sự đồng hành và chia sẻ lớn hơn nữa; cùng với ngành Giáo dục đón nhận những cái mới và để cho cái mới được ươm mầm, nảy nở và triển khai. "Nếu có điều gì đó chưa thật hợp lý thì chúng tôi mong nhận được sự góp ý để có sự điều chỉnh cho thích hợp. Sự phối hợp nhịp nhàng, hô - ứng rất quan trọng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Điều thứ ba, đó là mong ước dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, thiên tai, bão lụt… không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của giáo dục để ngành giáo dục có một năm mà từ nhà trường đến thầy cô giáo và các em học sinh có một năm học thật bình an, mọi việc thuận lợi.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT chia sẻ: “Tôi mong tất cả đội ngũ nhà giáo có sức khỏe tốt, giữ niềm tin, sự phấn khởi để tiếp tục nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đổi mới bản thân, phát huy sự sáng tạo của mình để có được năm học hoàn thành thật tốt trách nhiệm; hạnh phúc với nghề nghiệp, với học trò".

Lượng công việc trong năm 2023 rất lớn

Trước đó, ông Kim Sơn cũng chỉ ra rằng năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các lớp còn lại tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra.

Đây sẽ là năm tập trung rất nhiều việc, tiêu biểu như: tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12. Vậy nên lượng công việc còn lại trong năm 2023 rất lớn.

“Chúng ta phải tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã và có thể xảy ra như: Triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đây là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn với ngành giáo dục”, Bộ trưởng Kim Sơn nhìn nhận.

Năm thực hiện trách nhiệm giải trình về đổi mới GD-ĐT

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng cho hay: “Năm 2023, ngành Giáo dục thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm giải trình trước Đảng, nhân dân, Quốc hội. Chúng tôi phải đánh giá xem quá trình sau 10 năm thực hiện đổi mới GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng thực hiện trách nhiệm giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51. Đây là dịp mà ngành nhìn lại những công việc đã, đang và sẽ làm, xem còn gì cần điều chỉnh trong những năm tiếp theo để tiếp nối tinh thần đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Ngành”…

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Kim Sơn, phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, bao gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Dự kiến trong năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo luật Nhà giáo. Qua đó, có một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm căn cứ để xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tiếp theo.