Khai thác lợi thế vùng để phát triển

Thúy Hằng (Thực hiện) 10:55, 20/01/2023

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) là đại học vùng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Những năm qua, ĐHTN không ngừng đổi mới và tạo dựng được uy tín, vị thế.

Để có cái nhìn khái quát hơn về những kết quả đã đạt được và định hướng phát triển của ĐHTN theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước thềm Xuân Quý Mão 2023, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với PGS-TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN.

ĐHTN là đại học vùng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao.

P.V: Trước tiên, xin ông thông tin một vài nét khái quát về thành tựu nổi bật của ĐHTN trong năm học vừa qua?

PGS-TS Hoàng Văn Hùng: ĐHTN hiện có 7 trường đại học thành viên, Khoa Quốc tế, Trường Ngoại ngữ, phân hiệu tại tỉnh Lào Cai và các đơn vị trực thuộc. Về nguồn nhân lực, đơn vị có 3.776 viên chức và người lao động, trong đó có 2.454 cán bộ giảng dạy, với 814 giảng viên có trình độ tiến sĩ (đạt tỷ lệ 33,1%); trong đó hơn 135 người là giáo sư, phó giáo sư (đạt tỷ lệ 5,5%).

Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sinh viên không thể đến trường học tập trung theo đúng kế hoạch, ĐHTN đã hướng dẫn các đơn vị thành viên đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp, tổ chức dạy học và đánh giá theo hình thức trực tuyến. Hiện ĐHTN có trên 60.000 sinh viên, trong đó gần 1.000 sinh viên quốc tế đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung bình mỗi năm ĐHTN đào tạo trên 9.000 cử nhân, kỹ sư, cao đẳng và trung cấp nghề, 1.350 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ, 100-150 lưu học sinh nước ngoài và hàng chục nghìn người hệ vừa làm vừa học.

Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, ĐHTN còn tích cực thực hiện các chương trình, đề án, đề tài khoa học. Năm học 2021-2022, ĐHTN đã thực hiện 610 nhiệm vụ khoa học công nghệ; đã và đang thực hiện 7 đề tài, 18 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí là 3,44 triệu USD.

P.V: Để nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua ĐHTN đã tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Hoàng Văn Hùng: Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển của các trường thành viên, gắn liền với kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế, ĐHTN đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua 252 văn bản ký kết hợp tác với 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó có 16 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; 10 chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh nhập khẩu từ một số trường đại học uy tín. Các chương trình đào tạo đại học của ĐHTN được xây dựng theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Cùng với mở rộng hợp tác trong đào tạo, ĐHTN đã tích cực tham gia các hoạt động xây dựng và áp dụng khung đảm bảo chất lượng cấp trường và chương trình đào tạo của AUN-QA. Hiện nay, ĐHTN đã có 9 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 11 chương trình đào tạo đã được công nhận chuẩn quốc tế AUN-QA.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHTN cho PGS-TS Hoàng Văn Hùng.

P.V: Thời gian qua, ĐHTN đã tư vấn hiệu quả chính sách phát triển cho các địa phương. Ông có thể cung cấp thêm thông tin để độc giả hiểu rõ hơn về nội dung này?

PGS-TS Hoàng Văn Hùng: Bên cạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống, vai trò của các trường đại học còn gắn kết với các địa phương trong tư vấn, phản biện chính sách, đặc biệt là với tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến nay, ĐHTN đã ký 15 chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Đối với Thái Nguyên, từ năm 2016 đến nay, ĐHTN và các trường đại học thành viên đã triển khai thực hiện trên 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 76 tỷ đồng. Nhiều kết quả nghiên cứu là quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học... có giá trị, đóng góp thiết thực trong hoạt động khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

P.V: Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều cơ hội để ĐHTN đặt sự phát triển trong định hướng của vùng, khu vực. Với lợi thế đó, định hướng phát triển của ĐHTN trong thời gian tới là gì, thưa ông?

PGS-TS Hoàng Văn Hùng: Trong thời gian tới, ĐHTN định hướng điều chỉnh hợp lý theo lộ trình về cơ cấu đào tạo phù hợp. Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất... trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ ngay từ khâu lên khung chương trình đào tạo, đến thiết kế từng chương trình, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hoặc trực tiếp giảng dạy sinh viên tại doanh nghiệp trong một số lĩnh vực thế mạnh. Đây là những giải pháp cấp bách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Mặt khác, ĐHTN tập trung phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quan hệ với doanh nghiệp; tiếp tục phát triển các nhóm giảng dạy - nghiên cứu, tập trung nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm đặc trưng và có thể ứng dụng vào thực tiễn; đẩy mạnh việc thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn để kết nối giữa hoạt động nghiên cứu với thực tiễn.

Ngoài ta, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa ĐHTN với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc để kịp thời đề xuất những giải pháp, chính sách nhằm tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh trong việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các đơn đặt hàng và chuyển giao các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra để phát triển bền vững cho cả ĐHTN và khu vực...

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!