Nông thôn mới: Dồn lực ở "chặng nước rút"

Lương Hạnh (Thực hiện) 07:39, 21/11/2022

Năm 2022, Thái Nguyên phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã đạt NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và huyện Phú Bình đạt chuẩn NTM. Thời điểm này, các địa phương đang gấp rút hoàn thiện những tiêu chí còn lại để về đích đúng kế hoạch. Để nắm rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh tham quan mô hình trồng cây na dứa Đài Loan tại xã Động Đạt (Phú Lương).

P.V: Trước hết, ông có thể cho biết trong năm 2022, các địa phương gặp thuận lợi, khó khăn gì khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ?

Ông Trần Nho Hưởng: Sau hơn 10 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cùng với quyết tâm cao của Trung ương, tỉnh, các địa phương và sự nỗ lực của Nhân dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đạt được kết quả to lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Đến nay, Thái Nguyên có 109/137 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 79,56% (trong khi vùng miền núi phía Bắc mới đạt 44%, cả nước 71,2%); có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 63 xóm đạt NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã.

Thái Nguyên đã có 3/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây chính là bước đệm, tạo đà quan trọng cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm 2022, cũng như những năm tiếp theo.

Về khó khăn, năm nay, các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM đa phần là địa bàn vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp; tiêu chí đạt ở mức độ thấp. Trong khi đó, Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 lại đòi hỏi ở mức độ cao hơn, cần nhiều nguồn lực và thời gian thực hiện.

Ngoài ra, một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và phân bổ nguồn vốn của Trung ương bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện của các địa phương.

P.V: Vậy, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã tham mưu triển khai những nội dung nào để góp phần tháo gỡ khó khăn?

Ông Trần Nho Hưởng: Văn phòng điều phối đã chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương; phối hợp với các sở, ngành hoàn thiện đề xuất Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, quy định xã NTM kiểu mẫu, xóm NTM kiểu mẫu; hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, Văn phòng cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành được giao phụ trách các tiêu chí chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch triển khai; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành trong thực hiện Chương trình. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai Chương trình theo từng tuần, tháng, quý.

P.V: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng NTM ở giai đoạn nước rút, thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trần Nho Hưởng: Năm nay, lần đầu tiên Thái Nguyên triển khai đồng bộ 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đó là: xây dựng NTM; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và giảm nghèo bền vững. Trong đó, tổng nguồn vốn đã giao hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM toàn tỉnh là 386,45 tỷ đồng. Tỉnh cũng lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình nhằm dồn lực thực hiện các nội dung để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương phân bổ, triển khai giải ngân nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình theo đúng quy định; dồn lực cho các tiêu chí cần hoàn thành để đạt chuẩn NTM.

Đối với Phú Bình, địa phương có kế hoạch về đích huyện NTM trong năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực thiện các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ xét, công nhận. Đối với các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cần tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt.

P.V: Như đã nói, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của các địa phương?

Ông Trần Nho Hưởng: Khắc phục khó khăn, xác định rõ lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành trong kế hoạch thực hiện giai đoạn nước rút, chặng đường về đích NTM trong năm 2022 của các địa phương đang rất gần.

Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí, các địa phương cần quan tâm xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền thẩm định. Các sở, ban, ngành được giao phụ trách từng tiêu chí NTM chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các huyện, xã; đồng thời, hướng dẫn lập, hoàn thiện hồ sơ minh chứng kết quả các chỉ tiêu, tiêu chí do đơn vị được phân công phụ trách.

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tập trung cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực Nhân dân trong tỉnh, hy vọng các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2022 sẽ về đích theo đúng lộ trình đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!