Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Dương Hưng 08:09, 09/01/2023

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp tại các khu công nghiệp (KCN). Vậy, vấn đề phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường tại các KCN được thực hiện như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh.

Nước thải tại Khu công nghiệp Điềm Thụy A (Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư) được xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra môi trường.
Nước thải tại Khu công nghiệp Điềm Thụy A (Dự án do Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư) được xử lý trước khi xả ra môi trường.

P.V: Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 KCN đã đi vào hoạt động. Với số lượng lớn doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN thì lượng chất thải công nghiệp phát sinh khá lớn. Xin ông cho biết, công tác bảo vệ môi trường tại đây được tỉnh thực hiện như thế nào? 

Ông Phạm Mạnh Hùng: Hiện nay, nhà máy hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 470 tấn chất thải rắn và khoảng 31.000m3 nước thải/ngày. Để bảo vệ môi trường tại các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động xả thải, xử lý chất thải của các nhà máy. Đối với lượng chất thải công nghiệp, gồm: chất thải thông thường và chất thải nguy hại đều được các nhà máy ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ điều kiện để xử lý theo quy định.

Đối với các KCN mới được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải chung. Sau đó, toàn bộ nước thải sẽ được thu gom về Khu xử lý nước thải tập trung của KCN. Tại đây, nước thải tiếp tục được xử lý đạt quy chuẩn loại A QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) trước khi xả ra môi trường.

Còn đối với một số KCN được xây dựng và đi vào hoạt động từ hàng chục năm trước, do hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải. Vì vậy, hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang đôn đốc chủ đầu tư từng bước hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định.

P.V: Vậy công tác quản lý, giám sát của Ban đối với nguồn thải tại KCN được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.

Ngoài ra, Ban cũng ban hành các văn bản đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải; đôn đốc thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định.

Đối với KCN Điềm Thụy A và KCN Sông Công II (do Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư), Ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng nghiên cứu bố trí nhân lực đảm bảo thành lập tổ, chốt kiểm soát hoạt động ra - vào của phương tiện vận chuyển chất thải của các đơn vị dịch vụ xử lý chất thải; các phương tiện vận chuyển chất thải phải được đăng ký ra vào KCN theo yêu cầu của chủ đầu tư. Từ đó, đảm bảo công tác chuyển giao, xử lý chất thải sẽ được quản lý, giám sát chặt hơn.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về chất lượng môi trường không khí, nguồn nước tại các KCN của tỉnh hiện nay?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Tại các KCN, chủ đầu tư hạ tầng đều thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, tần suất thực hiện 4 lần/năm.

Trong đó, quan trắc, giám sát đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng nước thải, khí thải. Kết quả quan trắc, các chỉ tiêu môi trường của các KCN tại Thái Nguyên đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về bảo vệ môi trường.

P.V: Từ thực tế hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh có những giải pháp gì để quản lý hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ môi trường, thưa ông?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Ban sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN theo quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, hằng năm, Ban đều xây dựng kế hoạch lấy mẫu đột xuất tình hình xả nước thải, khí thải để đánh giá hoạt động xả thải.

Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác quản lý chất thải trong KCN trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm công tác quản lý, chuyển giao chất thải; tổ chức xây dựng kế hoạch chuyên đề làm việc với các doanh nghiệp về công tác quản lý chất thải để nắm bắt và hướng dẫn đơn vị thực hiện nghiêm công tác quản lý chất thải theo quy định.

Xin cảm ơn ông!

Tỉnh Thái Nguyên hiện đã được quy hoạch 7 KCN tập trung, với tổng diện tích 2.395ha. Trong đó, có 5 KCN đã đi vào hoạt động, còn lại 2 KCN chưa hoạt động. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang triển khai quy hoạch KCN Sông Công II mở rộng, với diện tích 300ha tại TP. Sông Công và Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình, diện tích 900ha tại huyện Phú Bình (675ha đất công nghiệp và 225 ha đất dịch vụ và đô thị).

Tháng 3/2022, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất với diện tích đất KCN đến năm 2025 là 3.286ha và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 là 4.255ha tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 08/3/2022.

Đến tháng 9/2022, tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 267 dự án đầu tư FDI và dự án DDI.



Công Ty Dịch vụ kỹ thuật việt nam Vinatesco quạt treo tường Cơ sở thu mua phế liệu inox Hòa Bình thông tắc cống