Chuyển đổi số trong giáo dục: Từ nhận thức đến hành động

Hằng Nga 08:32, 07/03/2023

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh trong xây dựng xã hội số được ưu tiên hàng đầu là lĩnh vực giáo dục. Yêu cầu đề ra là tập trung đổi mới nội dung và chương trình giáo dục đào tạo (GDĐT) thích ứng với môi trường công nghệ liên tục phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân.

Các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và dạy học, Trong ảnh: Tiết Tin học của cô và trò lớp 8A4, Trường THCS Hùng Sơn, huyện Đại Từ.
Các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và dạy học, Trong ảnh: Tiết Tin học của cô và trò lớp 8A4, Trường THCS Hùng Sơn, huyện Đại Từ.

Có 2 con trai đang học tiểu học và THPT, chị Đào Thị Phương Nhung, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên, khá vất vả trong việc sắp xếp thời gian đưa, đón con. Bù lại, mọi hoạt động của lớp, trường, kết quả học tập của con chị đều cập nhật hằng ngày trên điện thoại thông minh. Vì thế có vấn đề gì của các con chị đều có thể nắm bắt nhanh, trao đổi với giáo viên kịp thời.

Chị Nhung phấn khởi nói: Quả thực CĐS trong lĩnh vực giáo dục đã mang lại hiệu quả rất tốt. Nếu như trước kia đóng học phí, các khoản thu khác đều phải đến trường nộp trực tiếp cho kế toán thì nay chỉ một thao tác trên điện thoại, nhập mã tài khoản định danh của con là xong. Thanh toán không dùng tiền mặt ngoài việc thuận tiện còn đảm bảo sự minh bạch, tránh những sai sót không đáng có. Thời điểm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các con học trực tuyến rất hiệu quả.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý giáo dục, công tác CĐS đã tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực của các nhà trường. 150 trường mầm non, tiểu học, THCS trên toàn địa bàn TP. Thái Nguyên đã tổ chức hướng dẫn giáo viên và phụ huynh học sinh (HS) cài đặt App tin nhắn điện tử trên điện thoại thông minh và triển khai, thực hiện thanh toán học phí, các khoản thu khác không dùng tiền mặt.

Phòng GDĐT TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo các nhóm chuyên môn xây dựng bài giảng trực tuyến, video bài giảng đưa vào kho dữ liệu trên trang Website tại địa chỉ: http://pgdtpthainguyen.edu.vn/ và trên trang web của các nhà trường để HS, phụ huynh HS cùng được truy cập.

Đội ngũ giáo viên đã hoàn thành việc cài đặt ứng dụng Edu One hoặc ứng dụng VnEdu Connect, VnEdu Teacher trong công tác điều hành, quản lý chung của trường, của lớp. Các giáo viên biết sử dụng tiện ích ứng dụng trong giảng dạy trực tuyến: Microsoft Team, Google Meet, Zoom; phần mềm Azota về kiểm tra, đánh giá HS.

Đối với Phòng GDĐT TP. Phổ Yên, việc giao dịch với Sở GDĐT, UBND các cấp và các cơ quan liên quan qua hệ thống quản lý văn bản đạt 100%. 100% trường học đã triển khai phần mềm quản lý đáp ứng chuẩn dữ liệu của ngành Giáo dục; các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực GDĐT đều giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng Phòng GDĐT TP. Phổ Yên, thông tin thêm: Phòng đã chỉ đạo các nhà trường cung cấp, khai thác và sử dụng dữ liệu dùng chung của Ngành kết nối với Trung tâm Điều hành thông minh của TP. Phổ Yên. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên cài đặt C-Thainguyen, Phoyen Smat Cty; 100% đảng viên cài đặt Sổ tay đảng viên điện tử; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS cài đặt phần mềm thẻ bảo hiểm y tế điện tử. Ngoài ra, các nhà trường đã triển khai đồng bộ học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, các phần mềm quản lý văn bản, quản lý tài chính, tài sản, tính khẩu phần ăn cho trẻ, quản lý thiết bị… Các trường THCS đã phối hợp với các trường THPT để triển khai thực hiện đăng ký thi tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tuyến.

Tiết học Ngữ văn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.
Tiết học Ngữ văn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.

Không chỉ riêng khối các phòng giáo dục, các trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh CĐS toàn diện hoạt động của trường. Thầy giáo Hà Quang Đỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lương, cho biết: Nhà trường đã nắm bắt, chủ động bắt nhịp và coi CĐS là cơ hội để đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong quản lý và giảng dạy. Nhà trường xây dựng kế hoạch không chỉ trên giấy mà các thầy, cô đã thực tế hóa bằng việc tìm hiểu kho dữ liệu bài giảng, lên lớp với HS, dạy HS 2 trong 1 (trực tuyến và trực tiếp), đảm bảo việc giáo dục ở mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, đảm bảo tiến độ dạy học.

Triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU về CĐS, Sở GDĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình “Chuyển đổi số ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Để thay đổi từ nhận thức đến hành động về CĐS, Sở GDĐT đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông tập huấn cho 3.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trong toàn tỉnh. Toàn Ngành đã tổ chức rà soát, thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin về hồ sơ trường học, lớp học, HS, đội ngũ, cơ sở vật chất và thiết bị trường học cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu Ngành, định danh toàn bộ giáo viên, HS trên cơ sở dữ liệu Ngành giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng số 123 TTHC thuộc lĩnh vực GDĐT ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% cơ sở giáo dục đã triển khai thu học phí, thanh toán lương cho giáo viên, chế độ chính sách cho người học không dùng tiền mặt, trong đó trên 92% cơ sở giáo dục đã thực hiện hoàn toàn việc thu học phí không dùng tiền mặt…