Hoạt động giáo dục trải nghiệm: Ý nghĩa nhưng cần cách làm hiệu quả

Dương Văn 08:37, 23/03/2023

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục bậc tiểu học và trung học trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Tuy nhiên, từ thực tế đã nảy sinh một số hạn chế cần sớm được cơ quan quản lý hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để kê chỉnh, nhằm đạt mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra đối với hoạt động trải nghiệm.

Nhiều cơ sở giáo dục đã đưa, học sinh đến thăm viếng tại đền thời các anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong tại phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).
Nhiều cơ sở giáo dục đưa học sinh đến thăm viếng kết hợp với giáo dục truyền thống tại Khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên).

Theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh trung học, các nhà trường được chủ động trong việc áp dụng cách đánh giá theo những hình thức dạy học đa dạng, như: Dự án học tập, thực hành thí nghiệm, dạy học gắn với di sản, gắn với sản xuất - kinh doanh…

Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau. Đồng thời, hoạt động này sẽ giúp học sinh có cơ hội tham gia phục vụ cộng đồng và hướng nghiệp.

Và thực tế hiện nay, hoạt động giáo dục trải nghiệm theo chuyên đề tích hợp liên môn (gồm: Lịch sử, văn học, địa lý, kinh tế và pháp luật, sinh học, thể dục, công nghệ) được nhiều cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh áp dụng.

Cụ thể, cơ sở giáo dục phổ thông triển khai các nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm gồm: Phát triển cá nhân; lao động và phục vụ cộng đồng; giáo dục hướng nghiệp. Trong đó, hoạt động giáo dục trải nghiệm theo chuyên đề tích hợp liên môn gắn với việc đưa học sinh, phụ huynh đi tham quan được khá đông trường học chọn lựa.

Mặt khác, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục khi tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm liên môn phải có kế hoạch và được phê duyệt mới được triển khai; khuyến khích lựa chọn các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở nghiên cứu, trang trại trong tỉnh để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chương trình, kế hoạch giáo dục trải nghiệm liên môn do nhà trường chủ động xây dựng, lựa chọn quy mô phải phù hợp với điều kiện của học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương.

Từ thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, điều khiến phụ huynh học sinh băn khoăn là kinh phí phải đóng góp cho chuyến đi trải nghiệm ở địa phương ngoài tỉnh khá lớn (trung bình khoảng 500 nghìn đồng/học sinh), nhưng kết quả đem lại có phần hạn chế và còn thêm lo ngại về vấn đề an toàn trong quá trình trải nghiệm.

Cùng với đó, theo yêu cầu của ngành Giáo dục, sau đợt trải nghiệm, học sinh phải hoàn chỉnh bài thu hoạch để báo cáo tại lớp qua video, trình chiếu hay các hình thức khác do các em lựa chọn. Kết quả hoạt động trải nghiệm được xem xét để lấy điểm thường xuyên của các môn học trong nhóm liên môn. Song, trong kế hoạch triển khai giáo dục trải nghiệm của các doanh nghiệp gửi tới nhà trường lại chưa nêu rõ phạm vi kiến thức của môn học liên quan tới đợt trải nghiệm, không có phiếu giao nhiệm vụ học tập trước và trong đợt trải nghiệm...

Chương trình giáo dục trải nghiệm được một doanh nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục trong tỉnh tham gia.

Đơn cử, Công ty TNHH Thương mại Việt Tuấn (có trụ sở tại TP. Hà Nội) đã tổ chức các đợt giáo dục trải nghiệm cho một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Chương trình gồm nội dung tham quan, giao lưu chiếm tới 1/2 thời gian chuyến đi.

Cụ thể, đơn vị này thường tư vấn cho hội cha mẹ học sinh, ban giám hiệu các trường tổ chức cho vài chục đến vài trăm học sinh đi trải nghiệm trong 1 ngày tại hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, với chi phí trên 500 nghìn đồng/học sinh, gồm các nội dung: Dâng hương tại Đền thờ danh nhân Chu Văn An, xin chữ, xin sớ cầu may, ăn trưa, rồi di chuyển tới một công viên ở TP. Hạ Long để tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Chuyến đi xuất phát từ TP. Thái Nguyên lúc 5 giờ và trở về trường vào khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày...

Về vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng đi trải nghiệm trong thời gian 1 ngày khó có thể đem lại lượng kiến thức như mong muốn, nhưng học sinh lại phải di chuyển hàng trăm kilomet. Thêm nữa, chuyến đi được cho là mang nặng hình thức tham quan, không thể coi là chuyên đề học tập đơn môn, liên môn hay hoạt động giáo dục trải nghiệm theo chủ đề.

Nhiều bậc phụ huynh trong tỉnh có ý kiến việc này cần phải tách bạch rõ ràng. Nếu chỉ là tham quan, dã ngoại có thu phí thì nên theo nguyên tắc tự nguyện. Một số chuyên gia về lĩnh vực giáo dục thì cho rằng, điểm khác biệt giữa hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại với học chuyên đề hoặc trải nghiệm theo chủ đề cụ thể là giáo viên phụ trách phải xác định nội dung kiến thức, năng lực, kỹ năng cần đạt được và giao nhiệm vụ cho học sinh một cách cụ thể trước, trong và sau khi đi trải nghiệm. Đi tham quan, dã ngoại cũng là cơ hội để học sinh được trải nghiệm cuộc sống, nhưng không thể đồng nhất với việc đã hoàn thành trên 100 tiết giáo dục trải nghiệm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu…